Tuấn Thảo RFI
Còn vài hôm nữa là đến Ngày lễ tình yêu. Valentine’s Day trong tiếng Anh, Saint Valentin
trong tiếng Pháp. Ban đầu là một truyền thống Thiên chúa giáo xuất phát từ Tây Âu,
Valentine một khi du nhập các quốc gia lại khoác thêm một lớp áo khác biệt, phản ánh
bản sắc văn hóa của từng địa phương vùng miền.
Truyền thống tặng hoa giọt sữa của người Đan Mạch (DR)
Chẳng hạn như tại Đan Mạch, vào mùa Valentine, người ta có truyền thống tặng cho
nhau các cụm hoa giọt sữa thay vì tặng hoa hồng. Trái với các giống thực vật khác, cây
giọt sữa chỉ trổ hoa vào giữa mùa đông, thường là vào tháng hai khi trời khô ráo. Được
xem như là biểu tượng của hạt giống tình yêu, dưới lớp băng mùa đông nhưng vẫn đâm
chồi kết nụ. Vì thế cho nên, hoa giọt sữa còn được gọi nôm na là hoa xuyên tuyết (perce
neige), và người Đan Mạch thích tặng cho nhau loài hoa này, được xem như là quý hiếm
hơn là hoa hồng. Nếu có chọn hoa hồng, thì người dân các nước Bắc Âu cũng thiên về
màu trắng nhiều hơn là màu đỏ.
Gói nụ hôn trong mảnh giấy
Tại Ý, vào ngày Valentine (còn được gọi là il giorno della festa degli Innamorati) các đôi
uyên ương hay các cặp tình nhân thì lại có truyền thống tặng cho nhau món quà tên là nụ
hôn ‘‘Baci Perugini’’, một lọai chocolat hạt dẻ mà đặc điểm là ở bên trong, có ghi những lời
tỏ tình trên một mảnh giấy nhỏ. Các thông điệp tình yêu ở đây thường là những câu thơ nổi
tiếng in trên giấy bạc, dùng để gói chocolat.
Nhưng tại các thành phố lớn như Roma hay Venise, người ta có thể đặt mua loại chocolat
này với những thông điệp riêng tư hơn mà chỉ có người nhận quà mới biết được nội dung.
Cũng như tên gọi của nó, Baci Perugini xuất phát từ thị trấn Perugia ở vùng Umbria, miền
trung nước Ý. Loại chocolat này được bà Luisa Spagnoli sáng chế vào năm 1922, ban đầu là
một đặc sản địa phương trước khi trở nên phổ biến trên toàn quốc, một khi người Ý chính
thức mừng Ngày lễ tình yêu.
Tại vương quốc Anh, xứ Wales có một truyền thống có phần khác với Scotland hay Ailen.
Thời xưa, người bản xứ tặng cho nhau những chiếc thìa bằng bạc, ít nhất là một đôi, nhiều
hơn nữa là ba cặp (6 chiếc muỗng). Trên mỗi chiếc muỗng, có ghi khắc hình ổ khóa hay chìa
khóa, biểu tượng của tình yêu hứa hẹn cho nhau. Đó là món quà của những cặp đính hôn,
của những đôi vợ chồng sắp cưới. Đến ngày thành tân hôn, thì ngoài chiếc nhẫn cưới đôi
uyên ương còn trao tặng cho nhau chiếc thìa bạc, tượng trưng cho chìa khóa mở cửa trái tim.
Biểu tượng ổ khóa : tình yêu thắt chặt
Thời nay, người ta chỉ giữ lại hình ảnh của chiếc ổ khóa và tặng cho nhau qua những tấm
bưu thiếp hay thiệp chúc mừng. Có người cho rằng biểu tượng của ổ khóa đã lan rộng ra
nhiều quốc gia khác. Tại các nước như Ý, Pháp hay Hungary, giới trẻ thường hay mua những
ổ khóa hình quả tim màu đỏ rồi gắn trái tim đó trên những chiếc cầu tình yêu để ''khóa chặt'' lời
hẹn thề trăm năm của mình.
Còn tại Brazil, Ngày lễ tình yêu không phải là ngày 14 tháng 2 mà lại được cử hành chính
thức vào trung tuần tháng 6. Điều này cũng tương đối dễ hiểu vì tháng hai khởi đầu cho mùa
dạ hội hoá trang. Truyền thống mừng carnaval đã có từ lâu đời, trong khi lễ Valentine của
Tây Phương chỉ mới du nhập vào Brazil sau này. Vì thế cho nên người Brazil chỉ mừng Ngày
lễ tình yêu vào ngày 12 tháng 6 và gọi đó là Dia dos Namorados. Đó chính là thời điểm mà
các cặp tình nhân gặp nhau trong các buổi ăn tối hay những đêm hẹn hò. Đổi lại, từ khảong
một thập niên trở lại đây, tại các thành phố lớn như Rio hay Sao Paulo, giới trẻ lại thường
chọn ngày 14 tháng 2 để làm lễ cưới.
Có thể nói là trên thế giới, ngày lễ Valentine tại Hoa Kỳ được xem như là vĩ đại
hơn cả. Tầm cỡ của Valentine ở Mỹ đủ quan trọng để cho báo Le Monde của Pháp dành
nguyên một bài viết gần đây để nói về chủ đề này. Theo tờ báo thì hàng năm, doanh thu của
mùa lễ tình yêu lên đến 4 tỷ đôla, tức là chỉ thua có mùa Noel. Tính trung bình, phái nam chi
khoảng 160 đôla mỗi người, còn phái nữ thì chi gần 80 đôla để mua quà cho người yêu của
họ. Vào mùa này, người Mỹ gửi tặng cho nhau 180 triệu tấm thiệp, 36 triệu hộp chocolat và
110 triệu đóa hoa hồng.
Valentine ở Mỹ : 4 tỷ đôla doanh thu
Thời kỳ khủng hoảng dường như đã tác động đến việc chi tiêu mua sắm tặng quà nhưng bù
lại ngành sản xuất thiệp chúc mừng cũng như các cửa hiệu bán hoa lại có phần bội thu, vì
theo dự đóan doanh thu của ngành này sẽ tăng 11%. Tuy nhiên, theo tờ báo không phải chỉ
có các cặp tình nhân mua thiệp gửi tặng nhau mà nhiều thành phần khác trong xã hội, cũng
nhân ngày này bày tỏ tình cảm với nhau, dù đó không phải là tình yêu. Bằng chứng là chỉ
riêng tại Mỹ, công ty Hallmark có đến 1600 kiểu thiệp Valentine khác nhau dành cho đủ loại
đối tượng, tức là cao hơn gấp 10 lần so với nước Pháp.
Còn tại châu Á, Valentine trở nên quan trọng từ nhiều thập niên qua đặc biệt là tại các nước
như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore hay Đài Loan. Chỉ riêng tại xứ hoa anh đào, Nhật Bản
nhập khẩu hàng năm khoảng 8 ngàn tấn sôcôla (chocolat), trị giá 35 tỷ yen, tương đương với
300 triệu đôla. Sau những ngày lễ cuối năm, mùa tiêu thụ sôcôla mạnh nhất vẫn là vào thời
điểm Valentine.
Kể từ hai tuần qua và cho đến trọn ngày thứ hai 14/2, các cửa hiệu lớn tại Tokyo mở cửa cho
đến tối khuya để phục vụ khách hàng đi mua sắm quà tặng : trang sức, nước hoa, mỹ phẩm,
hoa hồng, bánh kẹo, thú nhồi bông… từ những món hàng nho nhỏ cho đến các món quà đắt
tiền thường được gói trong những hộp quà hình quả tim. Các cửa hàng lớn như Isetan, Keyo
hay Takeshimaya đều có dịch vụ đặc biệt dành cho mùa này : khi mua qùa, khách hàng có
thể ghi tên để đúng vào ngày 14/2, các lời nhắn nhủ tỏ tình của họ được chiếu trên các màn
ảnh phẳng thật lớn của các cửa hiệu.
Ngày trắng đáp lễ Valentine
Tại khu phố sang trọng Ginza, tương đương với đại lộ Champs Élysées của Paris hay Fifth
Avenue của New York, cửa hiệu Mitsoguchi tổ chức một cuộc triển lãm chocolat thượng hạng
nhập từ Pháp và Thụy Sĩ. Loại rẻ nhất phải tính khoảng 30 euros cho mỗi hộp 100 gram. Loại
đắt nhất giá tiền có thể được nhân lên gấp 10 lần. Vì chocolat nhập khẩu tương đối đắt, cho
nên không thiếu gì những chương trình truyền hình hướng dẫn cho phụ nữ mua cacao về nhà
để rồi tự tay làm chocolat. Theo lời chị Tuyết Mai, một kỹ sư sống tại Tokyo từ hàng chục
năm nay, thì khác với các nước Âu Mỹ, ngày Valentine ở Nhật trước hết là dịp để cho phái nữ
tặng qùa cho phái nam. Mãi đến một tháng sau, tức vào ngày 14/3, phái nam mới đáp lễ,
tặng qùa lại cho phái nữ nhân ngày lễ màu trắng tức là White Day.
Từ một ngày lễ dành cho các đôi tình nhân, ngày 14/2 còn đã trở thành ngày của ơn nghĩa,
cơ hội để tri ân những người có lòng tốt đối với mình. Nhưng tại các văn phòng công sở, ngày
này cũng mang thêm ý nghĩa của phép tắc xã giao. Đa số các bà các cô đều có thể tặng qùa
cho đồng nghiệp phái nam vào ngày 14/2, dù quan hệ chỉ là đơn thuần nghề nghiệp chứ
không hề có chuyện yêu đương. Đến một tháng sau, các ông đáp lễ với hình thức tặng những
món quà màu trắng kèm với việc tặng hoa. Điều này có thể giải thích vì sao các cửa hiệu bán
hoa tại Nhật đắt khách hơn vào giữa tháng ba thay vì vào giữa tháng hai như ở các nước Âu
Mỹ.
Với thời gian, Valentine tại Nhật không chỉ là một cuộc vui riêng của các đôi tình nhân, mà
còn được mở rộng ra cho nhiều đối tượng, trở thành một dịp chung vui, không nhất thiết phải
có tình yêu đôi lứa. Dù gì đi nữa, đó vẫn là cơ hội buôn bán kinh doanh rất thuận lợi, mùa
bội thu cho các công ty dịch vụ từ chuyện mua sắm, ăn uống cho đến du lịch, giải trí.