CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Sunday, July 27, 2014

Chuyện làm dâu phố cổ

(iHay. Thanh Nien 11-07-2014) Câu chuyện thú vị Làm dâu phố cổ của nickname Võ Tòng đánh mèo đang gây chú ý trong cộng đồng mạng. Có sự đồng ý của tác giả, iHay.vn xin được đăng tải lại câu chuyện bật lên nhiều điều phải suy ngẫm này.


Khi em ngỏ lời muốn lấy tôi làm chồng, tôi đã hỏi em rằng: “Có sợ khổ không?”. Em trả lời: “Không! Lấy giai phố cổ thì đời nào lại khổ! Mẹ em bảo, nếu Hà Nội là miếng trứng ốp lết thì phố cổ là cái lòng đỏ, là tấc đất tấc vàng!”.
Có lẽ khi ấy, em cũng giống như bao nhiêu người khác, chỉ biết đến phố cổ với những nhà hàng, cửa hiệu hào nhoáng, có những ông Tây lang thang trên những con phố lung linh, ngợp lá thu vàng, mà không thấy rằng, phía sau những ánh đèn long lanh ấy là rất nhiều những con ngõ nhỏ gầy gò, ẩm thấp, là những dãy nhà xập xệ, xuống cấp, là những căn phòng chật chội, tối tăm.
Chỉ đến khi tôi dắt em về nhà tôi ra mắt, vào một chiều mưa lay lắt, tôi mới thấy nỗi buồn của em dâng lên trong mắt chập chờn. Em phải gửi chiếc Attila ở cửa hàng hoa, bởi con ngõ quá nhỏ khiến cái xe không thể lọt qua! Mình phải đi bộ một đoạn khá xa mới vào được nhà. Vừa đi, tôi vừa nắm tay em, cười xòa:
- Ở đây, ai đi xe tay ga cũng đều phải gửi ở ngoài như vậy cả! Xe số muốn qua cũng phải cụp gương, bẻ gập tay ga, được cái là xe đạp thì vô tư em à!
Em cười trừ, cố nén tiếng thở dài hoang hoải. Nhưng đến khi bước vào nhà thì em đã không thể nén thêm được nữa, bởi sự ngỡ ngàng đã nằm ngoài sức chịu đựng, bởi thực tế phũ phàng đã vượt xa khả năng tưởng tượng…
- Sao nhà bé thế anh?
Đó là câu đầu tiên em thốt lên khi nhìn thấy căn phòng rộng chửa đầy 20m2 với những vệt loang lổ trên tường, không chiếu, không giường, chỉ có lổm nhổm những người ngồi đứng ngổn ngang. Đó là bố tôi, là vợ chồng con cái anh chị tôi, cả thảy 7 người trong một căn phòng nhỏ và chật chội như một chiếc nôi. Có lẽ, em cũng hiểu vì sao nhà tôi lại không chiếu, không giường, không bàn uống nước. Bởi nếu kê mấy thứ đó ra thì chẳng còn chỗ để ngồi, chẳng còn đường đi lối lại. Tôi quay sang em, giải thích bằng giọng ngài ngại:
- Ở khu này, nhà nào cũng thế cả em à!
Trong bữa cơm, em gần như chẳng nói gì, chỉ im lặng, rồi cuối cùng mới ngập ngừng ghé tai tôi thì thầm:
- Tối cả nhà ngủ ở đâu anh?
- Thì trải đệm nằm dưới nền nhà! Em thấy cái rèm kia không, là của anh trai và chị dâu đấy, lúc nào muốn làm việc riêng thì quây rèm kín lại, làm xong thì lại kéo rèm lên!
- Thế đêm tân hôn, mình động phòng ở đâu?
- Ở đây chứ ở đâu! Anh sẽ làm thêm cái rèm nữa, giống như của anh chị ấy!
- Có vẻ là không ổn anh à, bởi anh chưa biết đấy thôi, chứ những lúc bị kích động vì sướng tê, thì em thường rên rỉ, lảm nhảm, la hét ầm ĩ, rồi vớ được cái gì là túm, là giựt cái đó, em sợ là mình sẽ giựt đứt cả cái rèm xuống mất?
- Thật vậy sao? Được rồi, để anh tính!
Em thở dài, cúi đầu ăn tiếp. Nhưng có vẻ như ăn đồ ăn nhà tôi không hợp với em thì phải, bởi chỉ lát sau, tôi thấy em ôm bụng nhăn nhó:
- Nhà vệ sinh đâu anh? Em đau quá!
- Ở đầu ngõ! Em đi nhanh đi kẻo không kịp!
Tôi vừa nói vừa vội vàng lấy cuộn giấy vệ sinh và một miếng bìa carton nhỏ đưa cho em. Dẫu đang nhăn mặt vì đau thì em vẫn không giấu nổi vẻ ngạc nhiên:
- Gì đây anh?
- À, là nhà vệ sinh chung của cả khu, nên ai đi thì người ấy mang giấy, chứ để sẵn ở đấy thì bao nhiêu cho vừa?!
- Không, em hỏi miếng bìa cơ mà?
- Là vì nhà vệ sinh quay ra ngõ, mà cái cửa lại hỏng rồi, nên phải mang theo miếng bìa này để che lại!
- Che cái gì ạ?
- Che gì là tùy sở thích! Với hầu hết những người dân trong khu này, vì đã quen mặt nhau nên họ thường che mặt, bởi dù có nhìn thấy bộ phận bên dưới thì cũng không nhiều người có thể nhận ra đấy là ai! Còn em mới tới đây lần đầu, anh nghĩ em cũng chưa cần thiết phải che mặt, che cái bên dưới thôi là được rồi!
 

Thế rồi cũng đến giai đoạn tôi và em cuống cuồng chuẩn bị cho đám cưới. Thật đen đủi là trong cái lúc bận mải ấy, bố tôi lại không được khỏe cho lắm! Ông cụ hay bị cảm, sốt, ho, đau lưng, đau bụng, nói chung là đau lung tung.
 Thực ra, người già bị mấy cái bệnh vặt đó cũng không phải chuyện lạ, vấn đề là cứ hơi hơi đau một tí là bố lại bắt tôi đưa đi viện. Nhiều lúc đang đi in thiếp, đang chụp ảnh cưới, bố tôi cũng gọi điện bảo tôi về chở ông đi. Vợ tôi thấy vậy, dù không dám trách móc, nhưng qua giọng nói cũng thể hiện đôi chút phiền lòng:
- Anh đang lo việc như thế, bố không thương anh hay sao mà chỉ mới ho vài tiếng đã bắt đưa đi viện?
- Em đừng hiểu lầm bố! Bố đòi đi viện thực chất là vì bố thương anh thôi! Bởi đi viện, chẳng may có chuyện gì xảy ra thì đưa luôn vào nhà tang lễ, rất rộng rãi và tiện lợi, chứ nếu chết ở nhà thì khổ lắm, không đưa được quan tài vào, không có chỗ đặt mâm phúng viếng, không có chỗ cho bà con khu phố đến hỏi han, chia buồn! Bố không muốn cả nhà vất vả mà thôi!
Buổi tối hôm đám cưới, không biết vợ tôi mệt thật hay sốt ruột chuyện động phòng mà tôi thấy vợ ngáp liên tục, ý muốn đi ngủ sớm! Tôi thì cũng háo hức lắm rồi, nhưng nhìn đồng hồ mới chưa đến 9 giờ tối, chẳng lẽ lại giục cả nhà đi ngủ?!
Cũng may, bố tôi là người tinh ý, ông kêu mỏi lưng, muốn đi nằm trước, rồi bảo là mấy hôm nay lo đám cưới, chắc ai cũng mệt rồi, cả nhà cũng nên đi ngủ sớm thôi! Trong lúc mọi người lục đục trải ga, kê đệm thì bố tôi lạch cạch mở tủ lấy ra hộp bông gòn. Ông véo từng hòn bông nhỏ đưa cho từng người, bảo là để nhét vào tai! Vợ chồng anh trai tôi và đứa con gái lớn của anh chị đã hiểu vấn đề nên ngoan ngoãn làm theo. Chỉ có thằng nhóc con anh trai tôi thì vẫn còn ngơ ngác…
- Sao ông lại nhét bông vào tai con?
- Để ngủ cho ngon con ạ! Đêm nay có biến!
- Thế sao cô chú lại không phải nhét hả ông? - Nó hỏi rồi quay sang nhìn vợ chồng tôi.
- Cô chú có nhét chứ con, nhưng nhét chỗ khác, không nhét vào tai, và không nhét bằng bông đâu con!
Công nhận không ai hiểu tôi bằng bố thật! Đúng là tôi đã thủ sẵn trong túi quần một chiếc khăn mặt để nhét vào miệng vợ. Nhờ sự chuẩn bị chu đáo của vợ chồng tôi cùng sự hỗ trợ tích cực của cả gia đình mà buổi động phòng đã diễn ra tốt đẹp, đạt kết quả cao.
Ấy vậy mà cũng đã mấy năm kể từ cái ngày em về làm dâu nhà tôi ấy! 7 người chúng tôi vẫn sống, vẫn sinh hoạt đều đặn, bình thường trong căn phòng tuy nhỏ nhưng đầy ắp tình thương. Chiều qua đi làm về, tôi thấy đứa con gái lớn của anh chị tôi ngồi khóc sụt sùi, mặt buồn rười rượi. Tôi gặng hỏi mãi nó mới chịu trả lời:
- Con định lấy chồng, nhưng bố mẹ con phản đối, vì chê anh ấy nhà quê, tỉnh lẻ…
- Tỉnh lẻ hay nhà quê thì có sao đâu, miễn là người tốt và yêu con thật lòng là được! Để chú nói với bố mẹ con giúp cho!
- Nhưng mà… anh ấy muốn ở rể!
- Ừ! Cũng không sao! Hồi trước, chú mua vải may rèm, vẫn còn thừa một mảnh, chú sẽ cho con để con may cái rèm nữa! Với cả, cái lọ bông gòn của ông nội hình như vẫn còn hơn nửa, thoải mái dùng con ạ!
Võ Tòng đánh mèo
 
 
Đây là sự thật đó các bạn, mình cũng là người Hà Nội, tuy không ở trong phố cổ nhưng cũng biết nhiều nhà như vậy. Với người Hà Nội thì 20m2 là bình thường, có những nhà còn nhỏ hơn nhưng nhiều người hơn, họ mắc võng, treo đồ đạc .... để tiết kiệm không gian. Dù vậy có một điểm lạ là dù có được đổi sang ở nhà rộng hơn họ cũng không chịu.
Nickname Hoàng Sơn
 
Chị bạn em làm công an thành phố, Trung tá hẳn hoi và cũng có nhà phố cổ. Ôi chao, nghe chị ấy kể mà xót cả lòng anh Tòng ạ! Căn nhà chị chỉ vỏn vẹn có 9m2 mà bố mẹ chồng, vợ chồng, anh trai, chị dâu với 2 đứa con. Họ lấy phên liếp làm tấm che, ngăn "phòng"...
Nickname Sun Rise
 
 

Đọc chuyện làm dâu phố cổ Hà Nội ngẫm về giấc ngủ trăm lượng vàng ở Sài Gòn

 
 

(iHay 12-07-2014) Chuyện làm dâu phố cổ Hà Nội nghe... ghê gớm quá, cái sự chật hẹp nó nhung nhúc đọng trong đầu mỗi chúng ta. Đi đến phố cổ, nghĩ liền đến căn gác 20m2, nghĩ đến cái nhà vệ sinh chung và những nhu cầu mỏi mòn thật đến 'lạnh người'. Nhưng chuyện ấy liệu có khác gì chuyện ngủ, cái ác mộng ngơi nghỉ cứ dằn vặt những người tôi thấy ở Sài Gòn này.

 Image removed by sender.
 
Đất đắt như vàng, nhà chật như nêm. Có lần nọ, tôi đến nhà thăm bà quen biết. Đi đến chân cầu thang, thấy nép bên hông từng bậc là thùng giấy cỡ nhỏ, vừa vặn, xếp khít nhau, lối lên cầu thang từ đó chỉ có một người lách qua đi được. Đó là cái “tủ quần áo” của thằng Út con bà, từ khi anh hai cưới vợ, thằng nhỏ trở thành “vô gia cư” nên quần áo thì xếp trong thùng giấy ngoài cầu thang, ngủ thì nằm cạnh hai chiếc xe máy ở nhà trước. Đứa độc thân có khác, nó chẳng cần gì, có chỗ đặt lưng là đủ, nên nó được ngủ với xe máy.
Anh trai kia ở rể lại Sài Gòn để đi làm. Vợ chồng anh nằm trong một góc gần cầu thang, cha mẹ kê cho cái giường và một tấm nhựa mỏng, gọi là “phòng riêng”. Nhà vợ anh có 6 chị em, nhưng chỉ có mình vợ anh là con gái. Mấy đứa em trai có vợ cũng mang vợ về nhà ở. Ngôi nhà 3 lầu phải chia ra cho từng cái tổ ấm bé nhỏ, hệt như một chung cư mini - một xã hội thu nhỏ, với đủ điều sự chuyện xảy ra. Đứa cháu ngoại xuống nhà dưới lấy mất chai dầu gội của cô ruột, anh con út đi chơi về khuya sớm, mở cửa ầm ầm, anh rể nhậu nhẹt say, chửi vợ con trên tầng 3... Chỉ một khoảnh khắc hờn giận, lỡ lời, ngôi nhà có thể “nổ tung” trong cơn phẫn nộ của lời qua tiếng lại.
Người ta bảo Sài Gòn người người ngủ trong một giấc mơ chung: mơ cái chỗ ngủ nó rộng ra một tí cũng là cả trăm lượng vàng. Bởi vậy mới có những ngôi nhà kỳ lạ, chỉ rộng có 7 - 8m2 mà xây đến 6 -7 tầng, lêu nghêu như một cái cây kỳ quặc lỏng khỏng. Có người cả đời ngủ chung với mùi dầu xe máy, xe một bên, người một bên. Có người đang ngủ cố thu mình vào góc nhà bỗng nhiên thấy.... ướt lưng, quay ra mới biết triều cường làm nước từ kênh ứ vào tận nhà. Có người kể suốt thời đi học, chỉ ước căn nhà nó đột nhiên dài ra một lóng chân, để khỏi phải nằm ngủ cong chân suốt 4 -5 năm trời như vậy nữa.
 Image removed by sender.
 
Có người bán trái cây dạo, kể về giấc ngủ cá mòi với hai chục chị em nằm cạnh nhau, mỗi tối nộp 6 ngàn đồng cho bà chủ nhà trọ, để gọi là có chỗ ngả lưng, gửi đồ đi bán. Người nằm cạnh có ngáy to, ho hắng, vung chân, vô ý cũng phải ráng mà chịu. Giấc ngủ trị giá 6 ngàn đồng trong 2 ô gạch rộng, chưa đến 4 giờ sáng đã có tiếng chân huỳnh huỵch ra vào chuẩn bị cho ngày đi bán mới, với những giấc mơ ngắn ngủi về từng đồng bạc lẻ kiếm được sau một đêm dài.
Có cô giúp việc suốt 3 năm liền chưa có giấc ngủ ngon. Nơi cô nằm là cái chiếu cạnh chân cầu thang nhà chủ - mà sát đó là cái nhà vệ sinh. Đêm đêm cô vừa ngủ thiu thiu, đã có người trong ấy giật nước. Một đêm chỉ 2 -3 lần như thế, sáng cô đã phải vật vờ dậy chuẩn bị cơm sáng cho đứa trẻ đi học. Giấc ngủ miễn phí có khác, nó rẻ rúng và chấp chới.
Quay lại cái anh trai ở rể nhà Sài Gòn để đi làm (kể ở trên), mỗi lần muốn “chuyện ấy” anh và bà xã phải ra nhà nghỉ, xong thì về. Anh than với bạn: “Làm mà có người đi lại bên ngoài, la hét chửi con, không thì cũng ông ngoại nhờ lấy cái này cái kia, nghe giọng là...cụt hứng”. Chứ ai mà “làm” cho nổi khi cứ lo nơm nớp có người đi qua lại... dòm vào. Giấc ngủ chật hẹp, cái mơ ước tình cảm cũng phải tính thành tiền nhà nghỉ, có khi không dư dả cũng... nhịn luôn.
Nhưng rồi người ta vẫn cứ phải ngủ, vẫn phải yêu, phải làm tình, phải sống, phải chết... phải mãi mãi ở cạnh nhau, nhìn thấy nhau giữa sự chật hẹp đầy phẫn nộ của chút khí trời ngột ngạt và mái nhà chung che nắng che mưa.
Chẳng thể nào khác được. Cái giấc mơ có thêm vài mét vuông để lăn cho thỏa chí, dang chân thoải mái, cũng vài trăm lượng vàng chẳng chơi.
Khải Đơn