CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Tuesday, August 19, 2014

Thời thế tạo anh hùng

Hồi 1:
Tôi quen anh, Sáu Gú, trong một dịp rất tình cờ.
Nhà anh cách nhà Trương Kiến Dũng (khi còn ở đường Ngô Quyền) hai căn nhà. Anh có một người em gái học cùng cở với tụi tôi, nhưng học trường Phụ Huynh Học Sinh. Hôm đó, người của nhà anh chạy qua nhà của Dũng, nhờ ba của Dũng sang khuyên giải giùm, vì anh Sáu đang bị Bác Năm (ba của anh) đánh. Khi bọn tôi chạy theo ba của Dũng đến nơi thì một cảnh “lạ” bày ra trước mắt: anh Sáu đang cúi nằm dài trên bộ ván gỏ (lúc ấy anh độ 25 tuổi!), cây roi mây đang gác trên mông, còn bác Năm thì đang ngồi trên ghế đang giải thích cách “ăn ở trên đời” cho anh nghe, mỗi khi dứt câu anh đều “dạ, con biết!” kèm theo đó là 1 roi! Cảnh trông thật cảm động, hiếm có người con nào đã 25 tuổi rồi mà chịu cúi cho cha mẹ dạy, lại còn gác roi ngang “đít” nữa !!!!
Sau đó tôi được biết là trước đó mấy hôm, khi anh còn ở Biên Hòa, thì có khoảng 3-4 người phụ nữ mang theo nhiều quà, đến nhà tìm anh nhưng không gặp. Bác Năm hỏi tìm có chuyện gì, họ trả lời là đến để cám ơn anh đã giúp đỡ cho họ trong công việc làm ăn. “Vậy các cô làm ăn chuyện gì”, “Dạ tụi con có mở mấy quán BAR ở Biên Hòa, anh rất tốt, dân Sóc Trăng thì ảnh giúp hết mình, không thu của tụi con đồng nào hết!”, “nói vậy thì nó làm…..”, “Dạ tại Bác Năm không biết đó thôi! hiện giờ ảnh là xếp sòng ở chợ Biên Hòa đó!”. Vậy là hôm sau Bác Năm kêu ảnh về và có một trận đòn như trên.
. . . .
Cách đây độ 5-6 năm, anh Gú đi lính ở Biên Hòa, một hôm anh ra chợ uống cà phê như thường ngày, một bàn gần đó có một thanh niên ngồi uống cà phê, sau đó kêu một bé gái, độ chừng 11-12 tuổi, bán mía khúc gần đó bán cho anh ta một khúc mía. Khi đứa bé mang khúc mía đến thì anh ta bảo sao không róc, đứa bé nói tưởng là anh ấy muốn tự xước mà ăn, cho là đứa bé trả treo, hỗn xược. Thế là anh ta đánh con bé, anh Gú định đến can ngăn thì bà chủ quán bán cà phê ngăn anh lại, “thằng đó là xếp xòng khu này đó, đừng xía vào mà mang họa”, nhưng khi thấy con bé nằm lăn dưới đất kêu la mà anh ta đến bên sóng mía lấy một khúc mía khác đánh nữa thì anh Gú mới đến nắm tay anh ta lại “anh đánh nó bao nhiêu đó đủ rồi, định giết nó sao?”, “mầy là thằng nào mà dám xía vào chuyện của tao?”.
Vậy là 2 bên đánh nhau, trong lúc vật lộn, 2 người lăn đến gần chỗ bán mía, anh Gú ngồi trên mình tên anh chị kia, sẵn có con dao róc mía anh Gú cầm lên chặt. Khi Quân Cảnh đến thì thấy cảnh tượng tượng anh Gú ngồi trên mình tên du đãng mà chém thì họ cũng không dám vào bắt chỉ đứng nhìn chờ thời cơ vì nghĩ rằng anh Gú đang “say máu”: “cái đầu của xác chết đã NÁT NHỪ như thịt làm nhân bánh bao” mà anh vẫn ngồi “BẰM”. Mãi cho đến khi anh Gú mệt, hơi lơi tay Quân Cảnh mới xông vào bắt.
Ngày ra tòa anh bị xử một năm tù giam, sau khi xem xét các khoản giảm nhẹ: tự vệ chính đáng nên ngộ sát.
Khi mãn hạn tù, vừa bước ra khỏi cổng Trung Tâm Cải Huấn Biên Hòa, anh rất bất ngờ khi được tiếp đón niềm nỡ của . . . . các tay “anh chị” ở Biên Hòa. Vậy là anh lên làm “ông trùm” theo luật giang hồ. Thời thế đã tạo nên một “ông trùm mới”!?
Khi ngồi uống cà phê với anh, tôi có hỏi “lúc đó sao anh bằm nó dữ vậy?”, “tại anh sợ! biết nó là trùm du đãng nên anh sợ nó ngồi dậy đánh anh, chớ lúc đó anh rất sợ, đâu có ý gì khác đâu!?”
Nghe qua câu chuyện tôi chỉ ừ hử cho qua, nhưng trong lòng vẫn chưa tin một người đã 25 tuổi rồi mà còn nằm cúi cho cha đánh mà thành “ông trùm” được!?!?
Vậy mà mãi cho đến gần 20 năm sau câu chuyện này lại được chứng thực một cách tình cờ!!
Hồi 2:
Năm 1990, tôi làm Chủ Nhiệm Hợp Tác Xã Tín Dụng của Phường 5 (bây giờ là phường 8). Hứa Gia Đạt (lớn hơn tôi khoảng 5 tuổi) làm kế toán. Trong một lần ngồi uống cà phê, Đạt kể cho tôi một câu chuyện “sợ điếng hồn” của Đạt:
Năm đó Đạt đi thăm một đứa em đi lính tại Biên Hòa, vào một quán phở bên đường gọi một tô phở để vừa ăn vừa chờ đứa em. Đang ngồi chờ chủ quán làm tô phở, thì từ ngoài cửa có 2 thanh niên bước vào, người thứ ba thì ngồi ngoài xe chờ, sau khi gặp chủ quán nói to nhỏ chuyện gì đó, chủ quán ra bảo với Đạt là đi tiệm khác ăn đi, quán không bán nữa! Đạt hỏi lý do vì sao không bán mà không nói ngay từ đầu. Đạt sang một quán đối diện ăn phở đồng thời hỏi chủ quán mới là coi tại sao quán bên kia không bán cho mình. Đột nhiên 2 thanh niên ban nãy đứng sau lưng Đạt từ lúc nào không hay nói “Ê! đừng xía vào chuyện tụi tao nghe thằng . . . !”
Rồi hắn bỏ ra trước cửa quán ngồi chờ. Khi tô phở được mang ra, ông chủ quán hỏi nhỏ Đạt “chú em có quen với 2 thằng ngồi trên xe 67 trước quán không?”, Đạt lắc đầu, “con mới ở Sóc Trăng lên đâu có biết ai đâu”, “vậy sao nó lại chờ chú em ra để chém?”. Nghe đến đây Đạt hết cả hồn, năn nỉ ông chủ quán “cứu mạng”, “chú em cứ ăn hết tô phở đi để lấy sức, chú em còn ngồi trong quán thì an toàn, không sao đâu!!!”, “Chú ơi, tình hình nầy lòng dạ nào ngồi ăn, chú chỉ cho con đường trốn đi!!”.
Vậy là ông chủ quán chỉ cho Đạt một con một con hẻm nằm sau quán ăn thông ra một con đường rất xa quán nầy. Trên đường chạy trốn, bổng trước mặt có 3 thanh niên đi ngược lại. Đạt thầm nghĩ “thôi chết rồi, chắc là đồng bọn tụi kia ra chặn đường rồi!!!”, bổng có một người lớn tuổi trong đám người kia la lên “Chuối ở SócTrăng phải hông?” (Chuối là tên của Đạt khi ở nhà); “ủa! mầy là Gú phải không? thôi để khi khác nói chuyện, tao phải đi gấp lắm!”, “gấp gì gấp! anh em đồng hương, học cùng lớp, lâu quá không gặp, tao “đãi” mầy một chầu”, Đạt thuật lại tình cảnh đang gặp rồi nói “chuyện như vậy đó, tao còn lòng dạ nào mà ăn uống, mầy để tao đi, khi nào mầy về SócTrăng tao đãi mầy !”, “không được, mầy không biết đường biết sá thì làm sao chạy, không chừng mầy gặp nhầm đồng bọn của nó rồi sao! vào đây, tao tính cho”
Khi vào quán, chủ quán dẫn cả đám vào một căn phòng, bày bia và đồ nhậu lên. Khi cả nhóm ngồi vào bàn, anh Gú lại gần chủ quán hỏi chuyện gì đó (chắc là hỏi sự tình câu chuyện), rồi trở lại bàn nói nhỏ với một thanh niên đi cùng, anh ta ra khỏi phòng, lát sau trở vào cùng 2 thanh niên. Vừa nhìn thấy 2 người mới bước vào Đạt la lên “Gú! mầy bán đứng tao sao Gú?!”; rồi xô bàn bỏ chạy. Anh Gú kéo lại “tao với mầy là bạn, sao tao lại hại mầy!”. Rồi quay qua 2 thanh niên kia hỏi “đầu đuôi câu chuyện làm sao, mầy nói lại tao nghe coi!”, sau khi thuật lại câu chuyện, cậu ta kết luận “tụi em vào quán đó bảo là chưa đóng tiền thì không được bán, nó lại qua quán nầy ăn nên . . . .”, “thôi mầy nín đi, vậy là mầy bậy rồi! đây là thằng Chuối, bạn của tao từ hồi nhỏ tới bây giờ! mầy phải xin lỗi nó, tao bỏ qua chuyện nầy!”. Vậy là mọi chuyện êm xuôi.
Đêm đó 2 anh em Đạt được đãi “nhậu thả giàn” lại được ngủ khách sạn loại sang. Sáng hôm sau khi về SócTrăng còn có “quà hậu hĩ” mang về. Đến đây tôi mới tin chuyện của anh Sáu Gú là có thiệt!!!
Hồi 3:
Năm 1978, tôi tình cờ gặp lại anh Sáu Gú khi anh đang làm nghề sửa xe bên hông quán cà phê Thanh Bạch. Hai anh em vào quán Thanh Bạch uống cà phê, nói chuyện “đời xưa”. Anh từ giã cuộc chơi năm 1974, sức khỏe sa sút nhiều vì những tháng ngày ăn chơi. Anh có vợ và một đứa con gái. Vợ anh là em gái của họa sĩ Thanh ở cùng xóm với tôi (đình Năm Ông), anh hiện nay về ở nhà bên vợ!
Tôi vẫn thường mang xe đến cho anh sửa (ngày đó vì xài đồ “ai cập” nên xe rất dễ hư). Có một hôm anh đến nhà tôi hỏi mượn 10 đồng (tương đương 10 kg gạo) lý do là anh “đói thuốc” (nghiện xì ke). Tôi đưa cho anh 10 đồng và bảo “ngày xưa anh khuyên tụi em đừng vướng thứ nầy, sao anh giờ lại dính?”, anh có vẻ hơi ngượng, hứa là vài hôm nữa khi sửa xe có tiền sẽ trả, “thôi cái nầy là em cho anh, ráng cai nghiện đi để lo cho gia đình!”. Rồi từ đó tôi không gặp anh nữa.
Bẵng đi một thời gian, tôi có lần ngồi uống cà phê với họa sĩ Thanh, hỏi thăm về anh Sáu thì được biết là hai vợ chồng anh đã dọn về Đà Lạt ở vào năm 79-80 gì đó! Hai vợ chồng sống trong một “biệt thự”!?, tôi thắc mắc sao anh Sáu lại có tiền “sắm” biệt thự. Anh Thanh cười ngất, nó làm gì mà có tiền mua, khi lên Đà Lạt gặp một căn biệt thự không biết của ai, nhưng bị bỏ hoang, hai vợ chồng quét dọn lại một góc nhà để trú tạm!
Qua anh Thanh, tôi mới thấy rõ hơn về tư cách của một “dân chơi thứ thiệt”. Nhà có tổng cộng là 4 anh em (4 gia đình) ở chung, nhà thì nhỏ, không có phòng ốc gì riêng biệt. Mỗi khi “đói thuốc” anh chỉ lấy quần áo của vợ mang ra “chợ trời” đường 3/2 bán, tuyệt đối đồ đạt của anh em bên vợ anh không hề “đụng” đến.
Anh chết vì kiệt sức sau một tuần “tự” cai nghiện tại nhà (không vào trung tâm cai nghiện). Buồn cho anh là khi chết thì vợ anh bận buôn bán ở chợ, chiều tối về đến nhà thì anh đã giá lạnh tự bao giờ !
Vậy là hết một đời của “một anh hùng được thời thế tạo nên”!!!
Lý Văn Hào chs HD 64-71