CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Friday, September 26, 2014

Chung quanh....bụi , rác , và nỗi đau



1963- Trường Trung Học Ngô Quyền, Biên Hòa vào giờ tan học buổi trưa. Đám học sinh khi
qua cổng mất cách huyên náo thường lệ, cụ thể với những nữ sinh đệ nhị cấp, lớp thiếu nữ
đang thành những nhân dáng riêng với tuổi học trò đang độ lớn, đến mức trưởng thành, rộ nở.
Bởi ngay cổng đang đứng trấn bởi một gã sĩ quan cấp thiếu úy. Áo quần hoa nhảy dù với
những hình khối màu nâu, đỏ ngang dọc mạnh mẽ, độc đáo, chiếc mũ đỏ đội lệch và điếu
thuốc lá trên môi.. Gã trẻ tuổi còn nguyên vẻ của người mới rời khỏi giảng đường, trường
học, dẫu cố làm ra dáng cứng rắn, lính tráng. Viên thiếu úy nhìn săm sắp, tìm kiếm... Đám
học sinh chợt ngưng câu chuyện, hạ thấp giọng thì thầm khi đi qua. Cũng bởi, người tỉnh nhỏ
đã nhiều lần chứng kiến những hành vi mạnh mẽ quá độ của những gã lính trẻ sống nay, chết
mai. Thành phố nằm trong khu bản lề của chiến khu D, chiến khu Hắc Dịch, Rừng Lá, vùng
xôi đậu Tân Uyên, Tân Tịch.. của những tỉnh Bình Dương-Biên Hòa- Long Khánh-Phước
Tuy, nên dân chúng thường chứng kiến xe GMC chở quan tài lính phủ Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ
qua thành phố. Cảnh tượng gây nên thương cảm xót xa.. Người chết trận phần đông là con em
gia đình trong khu phố. Người ta báo cho nhau những tin chết chóc.. Trung sĩ X Biệt Động
Quân cháu ông Tám Mg đầu đường Công Lý. Thiếu Úy Q, anh cả con của gia đình em bác
Hai L ngoài Cù Lao Phố.. Tuy nhiên gã thiếu úy hẳn là người xứ lạ đến đây tìm kiếm một
điều gì. Hiệu Trưởng Bảo thân hình chắc nịch vạm vỡ, nhân dáng của một võ sĩ hơn là nhà
giáo tiến tới tự tin.. Xin lỗi, thiếu úy tìm ai? Gã sĩ quan đổi sắc mặt, vất vội điếu thuốc, lột
chiếc nón đỏ xuống cầm tay ấp úng.. Thưa thầy! Hiệu trưởng Bảo thoáng ngạc nhiên.. Anh
học tôi ở đâu? Thưa, thưa em không học thầy, nhưng em học thầy B, thầy H.. bạn của thầy;
em học Phan Châu Trinh, nhưng thầy hỏi oral em kỳ thi Trung Học Đệ Nhất Cấp đầu tiên ở
Đà Nẵng năm 1958. Hiệu Trưởng Bảo cười vui.. Thế hôm nay cậu đến đây có việc gì? Em
đến tìm anh Hoàng, Nguyễn Xuân Hoàng, người Nha Trang, học trên Đà Lạt đến đây dạy.         
          
Vào đến văn phòng, Hiệu Trưởng Bảo lớn tiếng.. Hoàng à, có ông thiếu úy nhảy dù nầy đến
tìm toa.

Khi đã ngồi nơi quán T.Hg ở bờ sông, giáo sư Hoàng rạng rỡ.. Quái, tôi đi đâu cũng gặp cậu
(Chữ “cậu” có nghĩa thân mật, ngang hàng, không có ý kẻ cả, đàn anh. Hoàng không hề có
tính nầy). Ngày xưa sáng tắm biển ở Nha Trang cũng thấy cậu; lên Đà Lạt cũng có, rồi nay
gặp lại ở Biên Hòa nầy. Làm sao cậu biết tôi dạy ở Ngô Quyền?

Tôi (Anh hơi ngần ngại trước xưng hộ “anh/em” do biết rõ Hoàng không thích làm “đàn anh”
với bất cứ ai. Anh nhớ danh xưng “thầy” với Hiệu Trưởng Bảo).. Tôi đọc thơ của thầy từ học
trò của thầy..
- Học trò nào của tôi mà cậu quen?

- Cô học trò giỏi Việt Văn nhất trường Ngô Quyền do được thầy dạy nên đoạt giải thưởng
văn chương Lễ Hai Bà Trưng!

- A! Lê Th. Dg

- Đấy cô nhỏ đó, cô ấy đọc thơ của thầy nên tôi mới hỏi ra..

-Thơ làm sao? Hoàng có vẻ thú vị.

Thơ làm từ ngày thầy và tôi còn trên Đà Lạt... Bài, “Đà Lạt mưa hoài nên Đà Lạt buồn. Tôi
mang mối sầu trong lòng hiu quạnh...”

Hoàng cười trống vắng... Vớ vẩn bỏ xừ. À nầy cũng lạ, tôi với cậu là hai tuổi khác nhau, làm
hai việc khác nhau, mà lại hay gặp nhau và mỗi lần gặp là một lần có chuyện.

- Chưa chắc, lần nầy có chuyện gì đâu? Anh cũng nghĩ đến một chuyện gì đó nhưng  không
rõ?

- Có rồi! Tôi sắp đổi về dạy Sài Gòn!

- Như vậy là chuyện tốt vì Biên Hòa, Sài Gòn cách nhau chỉ 30 cây số. Biên Hòa  chỉ là ngoại
ô của Sài Gòn. Biết đâu tôi lại đổi về những tiểu đoàn ở Sài Gòn thì lại gặp thầy mấy hồi.

Khi đưa anh về cổng Căn Cứ Không Đoàn 33, cổng chung vào Tiều Đoàn 7 Nhẩy Dù, giọng
Hoàng bỗng nhiên chùng xuống ân cần: Cậu cẩn thận nghe không. Súng đạn vô tình. Tội lắm.
Tôi ăn cà-rem V.Hg. nhà ông Đg. H, anh họ của cậu từ 1950! Cẩn thận nghe cậu Nam.

Anh không có anh trai. Không chị gái. Nên anh cần thương yêu huynh đệ/bằng hữu như một
an ủi, bù trừ.

1973- Sau thời gian trầy thân khắp mọi vùng đất của miền Nam với cách người lính tác chiến
thực thụ, nay anh được về làm lính thành phố với nhiệm vụ trong Ban Liên Hợp Quân Sự,
Tân Sơn Nhất. Từ  Tháng 10, 1973, Hà Nội phổ biến Nghị Quyết 21 công khai đánh chiếm
Miền Nam bằng vũ lực, xé bỏ Hiệp Định Ba Lệ 1973. Phái đoàn gọi là Chính phủ lâm thời
Cộng hòa miền Nam VN tức chính phủ của Mặt Trận giải phóng miền Nam theo lệnh Hà Nội
kéo dài những phiên họp không mục đích, không nội dung. Anh được rảnh rỗi nên thường về
Sài Gòn tiếp tục sự nghiệp “cầm cái ly” thay vì cầm khẩu súng. Quán Chợ Đũi với những bạn
rượu thuộc thành phần khác hẳn với những hảo hớn giang hồ nhà binh từ bao lâu quen mặt,
quen tính. Đấy là ông Đoàn “càn” nổi tiếng “càn” từ hồi Trại Định Cư Phú Thọ sau di cư năm
1954; người thành danh từ Đại Học Xá Minh Mạng; đấy là giáo sư Thảo với cách ăn nói thắm
thiết đôn hậu; là ông thầy dạy toán lừng lẫy do đã có Chứng Chỉ Toán Đại Cương (MG) từ
trước năm 1960... Danh sĩ quanh bàn rượu còn có những tên tuổi kiệt liệt như nhà giáo thi sĩ
Tạ Ký, đến chai bia thứ ba thì xỏa đầu tóc bạc, nhìn trân ra khoảng tối với đôi mắt ráo hoảnh
thay tiếng thét im lặng; đấy là nhà vận động cách mạng (cách mạng thứ thiệt/rất bản lãnh)
Nguyễn Liệu, Hiệu Trưởng Quảng Ngãi Nghĩa Thục, một cơ sở giáo dục hoàn toàn miễn phí,
thách đố chế độ gọi là “xã hội chủ nghĩa” của cộng sản Hà Nội. Bàn rượu cũng có người
điên sáng suốt một cách thông tuệ mà một thế kỷ văn chương/thi ca/triết học Việt Nam khó
có người ngang tầm, cân sức (kể cả “sức điên/tỉnh” rất đáng kính phục), Bùi Giáng. Tay ôm
con mèo và tay cầm ly rượu không phân biệt.  Và cuối cùng người thường xuyên ngồi bên anh
với nét mặt hòa nhã, vui hòa nhưng cách biệt; tham dự nhưng đứng ngoài; nồng nàn góp
chuyện nhưng kín đáo giữ lại phần riêng tư. Hoàng hay ngồi cạnh anh nói câu ân tình vừa
phải:  Rồi tôi với cậu thế nào cũng gặp nhau mà thiệt.


Chúng tôi luôn có với nhau. Sáng 30 Tháng 4, 1975, từ Công Trường Lam Sơn, trước Tòa
Đô Chánh anh lên yên, nhấn mạnh bàn đạp, động tác không chủ đích đi dọc đường Lê Văn
Duyệt, qua Chợ Đũi, nơi các bạn hôm qua hằng vui vầy, sống động... Anh nhìn vào bàn ghế
lổng chổng trống không. Anh đạp dài theo Lê Văn Duyệt giữa giòng âm động dồn dập của
Sài Gòn đang hồi tẩm liệm với nhịp chày vồ dộng mạnh xuống trăm, ngàn quan tài. Mà quả
thật có nhiều quan tài của những người vừa chết.. Đến trước cổng trại Nguyễn Trung Hiếu,
hậu cứ  Tiểu Đoàn 1 Dù có một xác con trẻ trần truồng không biết ai ném ra từ bao giờ lên
mặt đường. Một cô gái mặc áo dài trắng nữ sinh đi đến, gác chiếc xe đạp mini cạnh lề đường,
bình thản, thành thạo đưa máy ảnh lên, lấy góc cạnh chụp thây đứa trẻ chết. Cô gái nhỏ giải
thích sành sõi: Chụp để làm chứng tội ác Mỹ-Ngụy trước khi bọn chúng rẫy chết!

Anh vào Cư Xá Sĩ Quan Bắc Hải nay đặt dưới quyền chỉ huy của Chuẩn Tướng Hồ Trung
Hậu, trước 1972 là Tư lệnh phó Sư đoàn Dù. Chuẩn Tướng Hậu đang trải bản đồ trên mui xe
jeep, bàn tính với viên sĩ quan nhảy dù có nhiệm vụ an ninh cư xá. Khi biết lệnh đầu hàng của
Dương Văn Minh, ông vất tung chiếc bản đồ, gầm lên lời nguyền rủa. Nhưng viên thiếu úy
trả lời quyết liệt: "Tôi không đầu hàng, tôi với trung đội sẽ ra bến tàu tiếp tục chiến đấu".
Thiếu úy Huỳnh Văn Thái tập họp trung đội, hô nghiêm, xếp hàng, ra lệnh di chuyển. Trung
đội lính ra khỏi cư xá theo lối cổng Đường Tô Hiến Thành, rẽ vào Nguyễn Tri Phương, đi về
phía chợ Cá Trần Quốc Toản, hướng bến tàu. Nhưng những Người Lính Nhẩy Dù của Thiếu
Úy Huỳnh Văn Thái không ra đến bến Bạch Đằng, khi tới đến bùng binh Ngã Sáu Chợ Lớn,
họ xếp thành vòng tròn, đưa súng lên trời đồng hô lớn.. Việt Nam Cộng Hoà Muôn Năm!
Con chết đây cha ơi! Và những trái lựu đạn tiếp nhau bừng bực nổ sau lời hô vĩnh quyết cùng
đất nước Miền Nam. Anh chụp hình những người lính nhảy dù của Thiếu Úy Thái với mùi
máu người đọng trên cánh mũi, nơi tròng mắt.

Anh đi qua biên giới tử sinh nầy với mặc cảm phạm tội - Tội sống sót. Không hiểu anh đã về
đến nhà theo lối nào, nhưng quả thật đây thật là đoạn đường dài nhất, gớm ghê nhất anh vừa
đi qua với cổ đắng, miệng khô rốc, trí óc vỡ loãng trỗng không. Có bóng người đứng trước
nhà đường Hồ Biểu Chánh, Phú Nhuận.  Hoàng lao tới, chụp ghi-đông xe anh rít lên tiếng
kêu không che dấu.. Tại sao! Tại sao... Mầy còn lại ở đây! Tại sao! Anh biết Hoàng lo sợ
cho anh chứ không phải vì bản thân. Anh nhìn xuống che dấu giọt nước mắt muốn rơi. Gió
thổi những tấm giấy căn cước bọc nhựa của những người di tản lăn lóc trên mặt đường.

Những năm sau khi yên lành ở Mỹ, mỗi dịp Tháng Tư anh nhớ lại Lần Thật Chết Quê Hương.
Cũng chỉ một lần Hoàng “mầy/tao” với với anh.      

Ba. 2013/2014. Anh không thể nghĩ đây là dạng hình sáng/đẹp/vững chắc/cân đối  của người
thanh niên đứng trước biển Nha Trang sáng sớm trong thập niên 50. Anh phải tự chứng nhận
lại về Người Viết Văn/Làm Báo/Dạy Học với dánh dấp rất đàn ông mà cũng thuần hậu, giản
dị của thập niên 60, 70. Nhân dáng mà phần đông những nhân sự trong báo giới/văn giới/học
giới Sàigòn thường ngụy trang dưới những hình thái quá độ/dáng kịch/rất dễ nhận. Còn chăng
là ánh mắt bình thản của một người biết mình là ai. Người rất biết rõ mình ở nơi đâu. Anh
cầm cánh tay gầy yếu của bạn. Anh nghe Hoàng kêu lên tiếng đau trong Ngày 7 Tháng 9: Đau
quá! Đau nơi sườn! Nam gọi Vy hộ mình! Đau quá! Anh nghe bạn kêu đau và đột nhiên nhớ
rất rõ những lời viết về bằng hữu mà anh làm trong đêm tuyết phủ ở Minnesota mười mấy
năm trước...

Bạn đã mang tiếng Kẻ Tà Đạo
Cho Đi Trên Mây cũng chưa cao
Hãy Ngồi Lên Cỏ
Ngôi Nhà Ngói Đỏ
Chung quanh,
Bụi,
Rác,
Và..
Nỗi Đau!

Hóa ra, anh và Nguyễn Xuân Hoàng dù rất khác nhau về nhiều điểm nhưng quả đã chung một
điều - Cả hai chưa hề nói với nhau về văn chương, chữ nghĩa, có lẽ trong thâm tâm anh và
Bạn đều hiểu rõ tính giới hạn/phù hư/không thực của văn tự - Không đủ sức chuyên chở, bày
tỏ Sự Thật Vô Hạn của Nỗi Đau. Đau quá! 
  
Phan Nhật Nam
Nha Trang-Đà Lạt-Biên Hòa-Sàigòn-Cali)
(Sáu- mươi năm trước của 13/9/2014)