CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Saturday, November 29, 2014

Nỗi buồn gỏi cá




image

Ông bạn nhậu phát biểu “Ăn gỏi cá sống chấm nước tương, vắt chanh, trộn mù tạt wasabi buốt thấu óc, chiêu thêm hớp rượu thì giun sán cỡ nào cũng từ trần hết. Gỏi cá mà thiếu rượu đâu khác gì xoài tượng thiếu muối ớt, đúng thế không?”

Quá đúng! Nhưng chỉ đúng câu cuối. Thủy sản cá tôm sò ốc hến mực bạch tuộc,…ăn sống rất dễ nhiễm ký sinh trùng. Trứng giun sán lơn tơn trên sông biển ao hồ, trung chuyển qua ốc, tôm, cua,…rồi chui vào sâu vào thịt cá. Con người ăn cá, vào tới hệ tiêu hóa, ấu trùng “nở” thành giun sán và bắt đầu sanh chuyện.

Khoảng 50 loại giun sán ký sinh được tìm thấy ở thủy sản, nói chung ít gây tổn hại, nhưng cũng có vài loại dữ dằn có thể gây chết người.
 
image
Sán lá gan nhỏ (clonorchiasis) khá phổ biển ở các loại cá nước ngọt như cá chép, cá diếc, rô phi.. Nó định cư và “làm việc” ở gan người, kiên nhẫn phục kích có khi tới vài tháng mới chịu tấn công nhẹ (rối loạn tiêu hóa). Loài sán này sống dai tới cả vài chục năm và đỉnh cao của nó là gây xơ gan, cổ chướng.
 
image
Một loại khác là giun đầu gai (gnathostoma), cũng thường thấy ở cá nước ngọt, tôm cua lươn ếch,…Giun này vào hệ tiêu hóa, xuyên ruột tung tăng tùy hứng: đi dưới da, vào gan, vào mắt, tủy sống. Chui tới não là coi như thua. Giun gnathostoma ở đâu phá đó, triệu chứng thiên biến vạn hóa tùy nơi cư trú. Giới y học rất khốn khổ với tên ăn bám này vì triệt thì dễ nhưng điểm mặt nó không dễ chút nào.
 
image
Người Việt dễ dính 2 loại giun trên
Cá sông khó chơi thì ăn gỏi cá biển cho sang? Cá biển cũng dính. Một loại ấu trùng của giun anisakis simplex được tìm thấy nhiều ở cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ, mực, bạch tuộc,… Giun anisakis một khi vào được bụng người cũng chạy lung tung, có khi tới não và gây tử vong. Người Việt ít dính loại này.

Người Nhật khoái ăn cá sống (sashimi), nhưng họ tuyển rất kỹ, cá phải tươi, ướp lạnh, lạng fillet, soi đèn (candling) dò ấu trùng. Kỹ lưỡng như thế nhưng hàng năm vẫn ghi nhận cả trăm ca nhập viện vì nhiễm anisakis ở Nhật.

Các nhà máy chế biến ở Việt nam cũng soi đèn fillet cá để phát hiện ký sinh trùng trước khi làm đông lạnh xuất khẩu. Hàng dạt ra (bị nhiễm) không biết chạy đi đâu?
 
image
Có điều giun anisakis chịu lạnh kém. Nếu làm theo quy trình cấp đông (deep freezing), đưa trung tâm miếng fillet cá xuống nhiệt độ – 20 độ C thật nhanh, sau đó trữ đông ở – 18 độ thì anisakis sẽ chết cóng. Lưu ý, cá tươi bỏ vào ngăn đá tủ lạnh (gia đình) chẳng nhằm nhò gì đâu.
 
Ấu trùng có nang (túi) bảo vệ, nên phải nấu chín hoặc hun khói nóng mới diệt được (trên 60 độ). Còn chơi tái tái, hun khói lạnh, sấy khô, vắt chanh, ngâm dấm, nhúng mù tạt thì anisakis vẫn khỏe re. Ngâm trong hỗn hợp nước muối 8 % và giấm 2,5% cũng phải 2 tháng mới diệt nổi.
Khẩu vị người Nhật rất tinh tế, họ không chịu ăn sashimi đông lạnh. Ướp lạnh thì được, nhưng ở nhiệt độ vài ba độ thì coi như anisakis đi… nghỉ mát.
 
image
Đành phải ăn “gỏi cá chín” thôi. Nhạt cả rượu! Ở mức độ rủi ro thấp hơn, có thể ăn gỏi cá biển đông lạnh. Nhưng rủi ro vẫn là rủi ro, đó là chưa nói tới nhiễm vi sinh. Có điều chắc chắn là rượu chẳng ép phê tí nào tới sự sống còn của ký sinh trùng cả.
 
 
Vũ Thế Thành