CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Tuesday, November 12, 2013

LẠM BÀN VỀ SỰ GIÀU NGHÈO

                                                                                                   

Con người sinh ra trong xã hội, với một khoảng đời ngắn ngủi, ai cũng muốn được sống trong một cuộc sống đầy đủ, êm đềm và hạnh phúc. Tuy nhiên cái “thực tế” mong muốn đó, thậm chí nó còn là cả một ước mơ của đời người đó. Nó diễn ra thật là bất hợp lý. Nhìn thẳng, nhìn trực tiếp, nhìn tổng quát và cảm nhận ngay chính cuộc sống bản thân mỗi chúng ta, hầu như ai cũng nhận ra rằng: giàu và nghèo ngày càng xa cách. Số lượng người giàu ngày càng tăng mạnh, tương đương là người nghèo cũng ngày càng gia tăng.
Đúng vậy, cuộc đời luôn có hai mặt, không hề suôn sẻ và trải đầy gấm nhung. Không ai tồn tại trong cuộc đời này mà không trải qua khó khăn trắc trở, bon chen, dù ít dù nhiều. Mà nếu cuộc sống này toàn những gấm vóc lụa là trải rộng tới con đường vinh quang thì cũng thật chẳng thú vị chút nào. Chúng ta đã biết tới những người bình dị rất thành đạt trong cuộc sống. Họ đã thành công trên bước đường đời, ngay trên chính đôi vai của mình. Tại sao họ làm được! Còn chúng ta thì sao? Tại sao không !
          Người Việt mình có câu: “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” hay “Sông có khúc, người có lúc” trong khi dân TQ thường tin vào câu: “Một gia tài không thể thọ nổi 3 thế hệ”, và văn hoá phương tây coi định luật này như một lời nguyền rủa cuả thần Midas.
Thật ra câu này của các ông cha ta để lại từ xa xưa nên mức độ đúng chỉ là tương đối, cái giàu của thời đó cũng khác. Vì ngày xưa các cụ dân trí không cao nên không có khả năng nắm bắt tài chính tốt, việc dạy con nắm bắt cái đó càng khó hơn vì không có sách hay trường nào dạy điều đó. Gặp mấy đứa con giỏi thì không sao, gặp đứa phá gia bại sản thì sao không sạt nghiệp. Trong 3 đời chỉ cần xuất hiện 1 đứa phá hoại (ví dụ như nghiện ngập) cũng lao đao rồi. Mỗi người chúng ta chỉ có 2 họ: nội hoặc ngoại vì vậy nói giàu 3 họ là cách nói vần chỉ không ai giàu có được mãi cả. Còn khó 3 đời ở đây là chỉ: Ông, cha, con cháu gọi khó 3 đời là vì ngày xưa cuộc sống khó khắn nên đây là một hình thức tự động viên con cháu cố gắng không nên cạm chịu trước khổ cực.
Ba đời là đời cha, đời con và đời cháu. Không ai giàu có cả ba họ và cũng không ai nghèo khó luôn ba đời, ý nói sự giàu nghèo không riêng gì một ai, có lúc đang giàu mà hóa nghèo, hoặc có lúc đang nghèo mà nhờ làm ăn tiết kiệm trở nên giàu có.  Khuyên ai chớ thất vọng vì nghèo, chớ thị kỳ mình giàu mà khinh người nghèo. Trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu ngụ ngôn giản dị này cho ta thông điệp gì và sự khác biệt giàu nghèo trong xã hội.
Không ai trong chúng ta lại không từng có một ước mơ. Ước mơ đó dù lớn hay nhỏ, vĩ đại hay bình dị thì đó đều là những khát vọng tốt đẹp mà mọi người không ngừng vươn tới để đạt được thành công. Mà ước mơ thì nhiều lắm, nhiều vô kể. Tôi cũng đã từng có nhiều ước mơ. Vì thế từ thuở bé tôi đã từng ước mơ và hy vọng tương sẽ khá hơn vì nghĩ rằng “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” cả Tôi xin chia sẻ đôi dòng về “ứớc mơ của tôi” hồi thuở bé thơ về một tương lai thật bình dị. Còn các bạn thì sao, ước mơ của các bạn là gì. Các bạn hãy lấy ước mơ đó của mình làm khát vọng phấn đấu của tuổi thanh xuân. Khi chúng ta còn trẻ, trong mỗi chúng ta còn vẫn đang rực cháy ngọn lửa thanh xuân đầy ắp hoài bão. Ngay bây giờ hoặc không mãi mãi bởi “tuổi xuân đâu có hai lần thắm lại”. Tuổi xuân là tuổi rất nhiều ước mơ và hòai bão. Bởi “đời người chỉ sống có một lần, phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì dĩ vãng ti tiện và đớn hèn của mình để khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể nói rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta vì ta đã hiến dâng”.
"Không ai khó ba đời" là lời tiên tri bí ẩn, đồng thời nó muốn nhắc đến ý chí, nghị lực, công sức của con người và xã hội. Ðó cũng là khát vọng đổi thay, vươn tới của mỗi người, mong cho xã hội ngày một tốt đẹp hơn. Tôi sinh ra trong một gia đình quê Sóc Trăng vùng Đồng Bằng sông Cửu Long, đêm ngày thao thức chở nặng phù sa, tôi lớn lên trong bàn tay yêu thương đùm bọc, chăm bẫm của bà nội và cha mẹ tôi. Nhà tôi thì không khá giả lắm, gia đình là một xưởng sửa xe ở tỉnh, trước lợp thiết, tường pha lẫn gạch và lá. Tuy là một gia đình lao động bình thường, cha làm việc bằng tay chân với sức lao động nhưng cha tôi cũng không để con thiệt thòi về học hành. Tôi vẫn được đi học 12 năm trời, tuy có lúc khó khăn về vật chất vì lệnh quân dịch. Lúc cha tôi còn trẻ ông phải gồng gánh một gia đình đông con, một phần phải trốn tránh lệnh quân dịch thời bấy giờ, vì nếu vào quân ngũ ông sẽ không có khả năng nuôi dưỡng con cái thành tài. Cũng có lúc nhà đã túng thiếu, nay lại khó khăn hơn khi ông bố thường xuyên ẩn náo vùng quê vì lệnh quân dịch thời ông Diệm. Ngày xưa có những lần thấy anh T. Phong đang là một sinh viên Y khoa lúc tôi ở cái tuổi 12, tôi đã mơ ước trở thành bác sỹ chữa bệnh cho mọi người mà trước hết là những người thân, thoáng qua trong tôi. Tôi đã quyết tâm tu chí học hành để học đến bậc đại học, bởi tôi nghĩ chỉ có thể thoát cuộc sống lao động bằng con đường học vấn. Khi lên tuổi 17 tức năm 1972 thì lệnh đôn quân được ban hành bởi ông Thiệu. Chúng tôi bị đôn tuổi lên 18 để nhập ngũ quân đội. Tôi vẫn có ý chí học lên chứ vào quân ngũ như anh lính quèn thì cuộc đời coi như bế tắc. Thế là tôi quyết định ra ngoài Hoàng Diệu để thi nhảy Tú tài một, với quyết tâm dốc sức vào học vấn. "Hãy thoát nghèo bằng con đường học vấn". Lắm lúc tôi thầm nghĩ, chắc ông bà luôn phù hộ cho mình hay ông bà ăn ở hiền lành để phúc cho con cháu đây. Sau khi đậu cao tú tài một tôi lên Sài gòn học lớp 12 ở Taberd Sài gòn rồi như nhân duyên đã định trước, năm sau tức 1973 thi xong tú tài 2 tôi bỏ ý định sẽ học y khoa vì nó đòi hỏi rất nhiều trí nhớ mà tôi lại thích những gì thực tế cụ thể như toán lý hóa và hơn nữa tính tôi lại thích phân tích. Vì vậy tôi chuyển hướng sang kỹ sư và nộp đơn dự thi và trúng tuyển  Phú Thọ và Sư phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. Vì nghĩ rằng nếu ở lại học Cán sự Phú Thọ thì sẽ có cơ hội để tiếp tục học lên Kỹ sư tại đây. Cùng lúc ấy gia đình tôi khuyên nộp đơn du học Canada. Tôi rất e ngại việc đi du học vì nghĩ tương lai mù mờ… Tôi phải cố gắng lo liệu sinh sống và tự lập nơi xứ lạ quê người…
Nỗi đau buồn lớn nhất của ta
Là ra đi không có gì đáng mất”.
Một gia đình nào đó thật giàu có, đến đời sau và đời sau nữa sẽ chết do con cháu ăn chơi trác táng, hút chích, không quá 3 đời thì chết sạch. Một anh chàng du học Montreal trước chúng tôi 5 năm, tức 1968 là con ông tỉnh trưởng Gia Định thời bấy giờ rất giàu có cho con trai du học Canada. Anh sinh ra trong bọc điều, ba làm quan to, trước 75 gia đình anh giàu có không thể tả, tiền xài như nước. Rồi anh cũng ỷ vào thế cha mẹ mình, mang tiếng sang Canada du học nhưng anh không vào ĐH mà chỉ lo du hí chơi bời lêu lỏng với những cô đầm Canadian. Được một thời gian, khủng hoảng tháng tư năm 75 ập đến anh không còn tiền bạc, học hành không có nên phải đi làm giao pizza để sống tạm qua ngày… Tôi không biết bây giờ anh ta trôi giạt nơi phương trời nào nữa, chỉ biết rằng anh đã mất niềm tin về gia đình và chính bản thân anh.
Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”.  Câu này là câu tục ngữ của dân ta chứa đựng nhiều thông điệp. Thứ nhất đối với người dân thì ước mơ được giàu sang phú quý, sống lâu trăm tuổi nhưng không được như ý thì họ cũng lấy câu đó ra để tự động viên, tự an ủi mình. Nếu giàu có cũng chẳng được dài lâu, vậy nhà mình khó khăn mà cứ chăm chỉ lao động, chăm chỉ học hành, tiết kiệm nữa thì có lẽ cái giàu nó sẽ đến từ từ, chẳng khó khăn mãi đâu mà sợ. Chẳng có ai là giàu mãi mãi, cũng như chẳng có ai nghèo cả ba đời.
Nhưng theo dân mình đó là cách nói tự động viên thôi chứ chúng ta thấy xã hội càng phát triển thì sự khác biệt giàu nghèo càng lớn. Đầy dẫy người vẫn giàu từ đời ông đến cha rồi đến đời con, mà cũng đầy người nghèo mãi vẫn nghèo đó thôi như xã hội Việt Nam thời nay. Thực sự mà nói xã hội Việt Nam là một xã hội đầy giai cấp. Chính quyền mới luôn tranh đấu để mong diệt được chế độ giai cấp ấy, nhưng người nghèo vẫn là Cinderella và người giàu vẫn nhìn người nghèo bằng nửa con mắt. Ngày nay các đại gia không bao giờ có ý nghĩ vào ăn những quán ăn xọp xẹp bên lề đường hay con cái họ không thể lấy con nhà nghèo, v.v… Ngược lại cũng có rất nhiều gia đình Việt Nam may mắn có con hay cháu tị nạn ở một quốc gia thứ hai và làm ăn khá giả lên. Rồi từ đó họ gửi tiền bạc về Việt nam giúp đở thân nhân quyến thuộc xây lên nhà lầu, lột xác. Như vậy việc đổi đời của đa số gia đình có con cháu ở hải ngoại cũng chứng tỏ phần nào “không ai khó ba đời” cảNhưng cũng có rất nhiều trường hợp người Việt còn ở lại trong nước ngày nay như nhiều đồng môn Hoàng Diệu với đời sống khó khăn kéo dài từ đời này sang đời nọ. Như thế ta tạm hiểu là câu nói“Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” không thể lúc nào cũng đúng tuyệt đối cả.
Có ai nghĩ rằng tại sao đất nước mình nghèo mãi vậy không, một phần vì chính quyền không quan tâm đến việc làm giàu kinh tế cho dân giàu nước mạnh. Hay những tệ nạn xã hội như tham nhũng, hối lộ ở trong nước thế nào mà chẵng có. Người giàu thì giàu thêm còn người nghèo thì nghèo mãi. Bạn có đồng ý như vậy không? Vì vậy cần phải có sự công bằng, những người dân thấp cổ bé họng thì làm sao mà thay đổi được đây. Chúng ta thấy hơi thất vọng khi mà nhiều thứ trong cuộc sống này có thể dùng tiền để trao đổi mua bán. Thời đại nào “Con ông cháu cha” thì có thể làm gì cũng được, có tiền thì thi đậu vào trường tốt, có tiền mới xin được việc làm dù học giỏi hay dốt. Và trong khi đó đa số người dân nghèo chân lắm tay bùn thì làm sao mà có khả năng phát triển đất nước chứ trong khi người lãnh đạo đất nước không muốn phát triển, không muốn giúp người nghèo, chúng ta chỉ là ''con tép riu'' thì làm được gì?  Chúng ta thấy phần lớn người nghèo tại Việt Nam là nông dân và công nhân. Đối với nông dân thì sao, ''lẽ ra nhà nước phải ưu tiên cho vay tiền ít lãi để khuyến khích trồng trọt, còn đằng này lại là giai cấp cực khổ nhất.''. Nông dân làm việc vất vả, phân bón hay giống khi mua thì đắt mà khi thu hoạch bán ra thì rẻ như bèo, họ lam lũ quanh năm mà có được đồng nào đâu! Đặc biệt là nông dân ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân và vì dân mà vậy trong khi nhân dân đói khổ thì chính phủ có biện pháp gì để giúp đỡ chăng? Trong trường hợp đặc biệt này thì câu tục ngữ “không ai khó ba đời “ khó mà giải thích được chính xác. Ngược lại câu này dùng để động viên người nghèo theo từng trường hợp. Một gia đình nào đó rất là nghèo, sẽ không nghèo quá 3 đời vì chết đói hết.
Trong xã hội chúng ta đang sống, dường như đường kẻ vô hình ngăn cách giữa sự giàu sang và nghèo khổ khó có thể bôi xoá được.  Phải thành thực mà nói, cuộc đời quả bất công. Trong một bản tin được loan tải mới đây, một nhóm viên chức cao cấp của một công ty tại Hoa Kỳ đã bị sa thải vì đã “chịu chơi” chi gần 70 000 Mỹ kim cho ba chai rượu quí trong một bữa ăn tối.  Cùng lúc đó, trên những đường phố tại các nước nghèo như Việt Nam, dẫy đầy những người ăn xin đói khổ, ngửa tay xin từng đồng để có thể kiếm một chút gì đó ăn cho đỡ đói, lây lất sống qua ngày.  Có những câu chuyện rất thương tâm khi được nghe kể đã làm chúng ta rơi lệ. Chẳng hạn như khi tôi về Việt Nam lần đầu tiên năm 1989, trong một buổi tối tại một nhà hàng tôi bắt gặp hai đứa bé gái, một đứa khoảng dưới 10 tuổi, và đứa kia, có lẽ là em, khoảng 6 tuổi, đang đứng thèm thuồng nhìn chúng tôi ăn uống.  Ðộng lòng, tôi gọi chúng vào và mua cho mỗi đứa một phần ăn.  Nhưng khi thấy đứa lớn không đụng đũa gì đến phần ăn của mình, tôi tò mò hỏi thì bé đã bật oà khóc và xin tôi cho nó được đem phần ăn về cho mẹ nó đang bệnh nằm ở nhà. Tôi viết đoạn này mà nước mắt tôi như muốn trào ra khỏi khoé mắt.  Tôi đang xúc động tột cùng. Còn bao nhiêu câu chuyện thương tâm như thế đã và đang xảy ra hằng ngày trên quê hương của tôi? Nhất là khi những kẻ bất hạnh, đáng thương kia chỉ là những em nhỏ chưa đến 10 tuổi.

Nhưng thật phũ phàng, trái lại, cũng có nhiều người, vì lười biếng hoặc vì tham lam đã lợi dụng lòng hảo tâm, quảng đại của người khác để trục lợi.  Họ dùng đủ mọi mánh khoé, xảo thuật để moi tiền của những người giàu lòng nhân ái.
Hãy xem một trường hợp khác về “Không ai giàu ba họ” là trường hợp"Công tử Bạc Liêu" ra đời từ những năm đầu thế kỷ 20. Thời đó, thực dân Pháp đã ổn định về tổ chức của vùng đất thuộc địa Nam Kỳ. Do việc phân chia lại ruộng đất, đã làm nảy sinh rất nhiều đại điền chủ ở vùng đất này. Thời đó dân gian đã có câu "Nhất Sỹ, Nhì Phương, Tam Xường, Tứ Trạch" để chỉ 4 vị đại điền chủ giàu có nhất vùng đất Nam Kỳ. Các diền chủ giầu có ở Bạc Liêu cho con cái đi học ở Pháp, ở Saigon.
Theo báo điện tử VNExpress [5] thì trong số vị công tử ấy, không ai đủ sức xài tiền như các công tử Bạc Liêu. Thành ngữ "Công tử Bạc Liêu" có từ lúc ấy. Về sau, thành ngữ này chỉ dùng để chỉ công tử Trần Trinh Huy vì chẳng công tử nào sánh kịp về khả năng tài chính và độ phóng túng đối với vị công tử này. Từ đó "Công tử Bạc Liêu" trở thành danh xưng riêng của Ba Huy, không một ai có thể tranh chấp.Trần Trinh Huy, tên thật là Trần Trinh Quy, nhưng do cho rằng cái tên "Quy" không sang trọng nên ông đổi lại thành "Huy". Ngoài tên Công tử Bạc Liêu, Trần Trinh Huy còn mang nhiều tên khác như Ba Huy, Hội đồng Ba, Hắc công tử (do nước da ngăm đen và để phân biệt với Bạch công tử, cũng là một công tử Bạc Liêu).
Ngoài vua Bảo Đại, Ba Huy là người dân sở hữu máy bay tư nhân đầu tiên ở Việt Nam. Có lần qua Rạch Giá thăm ruộng, Ba Huy hứng chí lái luôn máy bay ra Hà Tiên chơi. Do mải bay nên xăng hết không hay buộc lòng phải đáp khẩn cấp xuống đất Thái Lan (nước Xiêm). Trong lần “nhập cảnh trái phép” này Ba Huy bị bắt giữ và phạt 200.000 giạ lúa, buộc ông hội đồng Trạch phải đưa một đoàn ghe dài chở lúa qua chuộc “quý tử” về.
Tuy giàu có như thế, nhưng ông Trần Trinh Đức, con trai của công tử Bạc Liêu hiện đang có một cuộc sống khó khăn, kiếm ăn từng ngày. Theo ông Đức, dòng họ ông bắt đầu gặp khó khăn về kinh tế từ khi cha ông mất. Anh em ông bán căn biệt thự ở đường Nhất Linh, nay là đường Nguyễn Huy Tưởng, quận Gò Vấp, Saigon, để chia mỗi người một phần. Riêng ông thì chuyển về ở nhờ nhà vợ tại đường Huỳnh Tịnh Của, quận 3. Dù buôn bán lặt vặt ở đất Sài Gòn nhưng nhờ được kế thừa một phần tài sản của Công tử Bạc Liêu nên cuộc sống tạm ổn. Thế rồi đứa con gái duy nhất của ông sa vào bài bạc, bị lừa cả tình lẫn tiền dẫn đến mắc nợ và bị bệnh tâm thần phân liệt. Vợ chồng ông phải bán hết tài sản còn lại để trả nợ cho con nhưng vẫn không đủ đành dắt díu nhau sang Campuchia lánh nợ với đủ thứ nghề.
Sau hai năm trốn nợ bên đất khách quê người, năm 2000 ông Đức dẫn vợ con về lại thành phố Saigon, sống với nghề chạy xe ôm. Ông phải làm việc từ 5 giờ sang đến tận nửa đêm nhưng cuộc sống vẫn mãi nghèo túng vì ngoài chi phí sinh hoạt, gia đình ông phải mua thuốc điều trị cho con gái. Thật là không ai giàu ba họ mà cũng chẳng ai khó ba đời.
Tôi có đọc một diễn đàn (forum) bàn về Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” trong đó có một bài phân tích như sau: Theo thống kê cuả ông Paul Schervish, giám đốc Center on Wealth and Philanthropy - Boston College, trong vòng 50 năm tới sẽ diễn ra một sự chuyển nhượng gia tài lớn nhất trong lịch sử cuả nhân loại. Đến năm 2044 ít nhất $41 nghìn tỷ USD sẽ được để lại cho thế hệ con cháu đời sau.
Vấn đề nổi bật ở đây là những nguyên nhân chính cuả quy luật hay lời nguyền “không ai giàu ba họ …” – xã hội đã quan sát rất nhiều các đại gia đình giàu có nhưng đều bị lụn bại vì con cháu không phát huy được truyền thống “con hơn cha là nhà có phúc”. Một thống kê khác ở phương tây cho thấy rằng 6 trong 10 gia đình có gia tài lớn thường bị “hao tốn” tài sản vào cuối đời thế hệ thứ hai; và 9 trong 10 gia đình sẽ “tiêu hết sạch” toàn bộ gia tài cuả mình vào cuối đời thế hệ thứ ba. Một số chuyên gia tài chính giải thích hiện tượng này như sau:
Thế hệ thứ nhất do hoàn cảnh bắt buộc hoặc có tính tiến thủ đã quyết tâm “một tay gây dựng cơ đồ” để đổi đời – được ấm no hạnh phúc, có một cuộc sống sung túc và quan trọng hơn là để dành cuả ăn cuả để cho con cháu sau này.
Thế hệ thứ hai sẽ noi gương cha mẹ mình, vừa kiếm thêm tiền vừa giữ cuả. Ở thế hệ này nếu gia đình nào có phúc thì con sẽ hơn cha. Nếu cha là người giỏi xuất chúng hay có những thành công sáng chói thì con cái thường bị “chột” – khó thoát ra khỏi cái bóng cây cổ thụ cuả người cha. Phần lớn sẽ cố gắng làm giàu thêm cho gia đình, nhưng đa số chỉ thành công trong việc bảo tồn gia tài cuả mình.
          Thế hệ thứ ba sẽ ăn hết sạch gia tài mà hai thế hệ trước đó đã dày công gây dựng và gìn giữ. Vấn đề chính ở đây là đồng tiền hay cuộc sống trong nhung luạ thường làm con người ta ỉ lại nếu không bị hư hỏng – chúng thưà kế cả một gia tài nhưng không được hưởng những kinh nghiệm xương máu, không hề biết đến những gian khổ, sự hy sinh, những giá trị cốt lõi cuả cuộc sống hay sự thông thái trong công cuộc làm giàu vv...
Chẳng cha mẹ nào muốn con cái mình sống thiếu thốn, nhưng họ cũng không nên bảo hộ các cục cưng theo kiểu “chăn ấm đệm êm” vì làm như vậy các “cuả để dành” sẽ không có ý trí tiến thủ, nghị lực, tính tự lập hay sự hy sinh.
Không ai muốn chứng kiến gia tài cuả mình bị tiêu tan, con cái không hơn người, do vậy các bậc cha mẹ (nhất là những ai có gia tài lớn sắp để lại cho con cái) phải luôn chu đáo chuẩn bị tinh thần cho con cái - dạy dỗ chúng về đồng tiền, giá trị cuả nó, những chiến lược kiếm tiến, và triết lý sống khi giàu, vv...[4].

Để kết luận bài viết tôi xin mạn phép bàn về sự giàu nghèo như sau: cái câu tục ngữ “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời”này của ông bà ta nhiều khi ngẫm nghĩ lại cũng có phần đúng đấy chứ!. Sự giàu nghèo trong cuộc sống vốn dĩ rất mong manh. Quan niệm giàu nghèo của mỗi người cũng khác.[6]

* Có những người quan niệm rằng có nhiều tiền là giàu, có ít tiền là nghèo xã hội này có 80% những người nghèo như thế và 20% giàu như thế và trong đó có 5% được gọi là týp giàu tuyệt đỉnh có theo quan niệm có nhiều tiền.

* Có những người lại quan niệm rằng có nhiều danh vọng là giàu, còn không có ít danh tiếng hay không có chút danh tiếng là nghèo. Cái này là nói đến sự giàu về danh phẩm về nhân hiệu cũng như thương hiệu của sản phẩm trong kinh doanh. Xã Hội này cũng có 80% thành phần nghèo về danh tiếng, 20% là giàu về danh tiếng trong số đó có 5% là thuộc về danh tiếng danh vọng và nhãn hiệu.

* Có những người lại lại quan niệm là có nhiều bạn là giàu, có ít bạn là nghèo, đây là sự giàu nghèo trong quan hệ trong lối sống. Và Xã hội này cũng có chia ra 80% là có bè nhiều hơn có bạn và 20% là có bạn thực sự trong đó có 5% là người cực kì nhiều bạn được nhiều người yêu, thương quý, vậy là sự giàu nghèo ở đây cũng có tỉ lệ rõ ràng.
* Có những người lại quan niệm có nhiều ước mơ là giàu, không có hoặc có ít ước mơ là nghèo thì thú thực Xã Hội loài người ai cũng có ước mơ cả nhưng cũng chỉ có 5% là có ước mơ nhiều và xác thực nhất, và 5% này sẽ tìm mọi giải pháp để thực hiện ước mơ bằng được để biến điều không thể thành có thể, 5% này nằm trong nhóm 20% người dạt dào ước mơ trong xã hội và ý thức về những ước mơ của mình, còn 80% là có ước mơ, rất dạt dào nhưng nó đều mơ hồ và đều như thể ước mơ chỉ là mơ ước mà thôi. Nghèo ngay từ tư tưởng nghèo đi thì chẳng bao giờ biết thực sự giàu là gì.
* Cũng có những thành phần khác lại có quan niệm, cuộc sống ai nhiều nụ cười, nhiều niềm vui là giàu ai lúc nào cũng khổ sở, cũng bi ai, cũng lo lắng đăm chiêu là nghèo. Về thành phần này phải dễ đến 80% là luôn bi quan về cuộc sống, luôn nhìn ngắn và có nụ cười niềm vui luôn chỉ là thời điểm không trọn vẹn. Thế nhưng có 20% là ta luôn thấy một sức hút, một niềm vui, một cách sống thực sự đáng sống, trong đó có 5% trội hẳn lên cho thấy chỉ có sống vui, sống tốt, luôn tích cực, luôn thường trực nụ cười trên môi mới là cuộc sống giàu có vô bờ.
* Và còn một thành phần khác lại quan niệm giàu có là khi ta có nhiều sức khỏe, có nhiều thời gian và không gian của riêng mình, là những người biết quý trọng những gì mình đang có. Xã hội cũng có đến 20% nhận ra được điều này và thực hiện tốt, trong đó có 5% thực sự đáng để nể phục và học hỏi sự giàu có theo cách nghĩ này của họ. Và cũng đến 80% luôn đánh quên mất những giá trị đang tồn tại hiện hữu đó và tự đẩy mình sang thế giới của những người nghèo.
Đối với cá nhân tôi những người giàu thực sự về vật chất, có đầy đủ tiền bạc muốn tiêu xài việc gì theo ý thích cá nhân đều có thể thực hiện được, hưởng nhiều sức khỏe tốt, có nhiều bạn hiền để chia sẻ, mọi người chung quanh đều kính nể, có lòng nhân hậu thương và hay giúp đỡ người nghèo như ông Bill Gate thì được xem là mẩu người giàu trọn vẹn. Nếu chúng ta may mắn sống thêm vài chục năm nữa để chứng kiến các thế hệ sau của con cái Bill Gate có còn tồn tại hay không chắc là thú vị lắm!. Những dòng họ vua chúa như Nữ Hoàng Elizabeth có mấy đời cha mẹ, con cái Thái Tử Charles và cháu Williams đều sống trong nhung lụa từ đời này sang đời khác. Thử hỏi tục truyền “không ai giàu ba họ…” có còn đúng không. Chắc chắn là không vì đây là những trường hợp ngoại lệ trong xã hội.
Trong khi đó một anh bạn là một công nhân quèn lảnh lương tương đối, có sức khỏe tốt, có bạn bè thương mến để trao đổi, sống một cuộc sống tương đối tạm đầy đủ. Và nhất là anh bạn này hài lòng với hiện tại mà mình có thì chưa hẳn là người nghèo. Vì thế làn ranh giới giữa sự nghèo và giàu rất ư mỏng manh và tương đối, nó tùy thuộc vào mỗi cá nhân định nghĩa và vạch ra nó. Và nếu cả cuộc đời anh bạn này không thực hiện được điều mong muốn thì anh sẽ than rằng “số tôi kém may mắn nên vẫn còn nghèo túng quá” và anh sẽ dựa vào “không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” để hi vọng cuộc sống tương lai hay đời con cháu của anh sẽ khá hơn.  Anh bạn chúng ta có thể nghèo về vật chất nhưng không việc gì phải hổ thẹn cả. Anh vẫn tự hào dù anh nghèo nhưng giàu về nhân cách, giàu về ý chí nghị lực và hiểu thế nào là sống đẹp. Bạn có thể cười anh ta nhưng xin đừng cười về nhân cách của anh ấy. Hãy chờ xem anh bạn này làm được những gì bằng chính bước đi của anh và hãy nhớ rằng người giàu nhất thế giới này cũng đã từng trải qua những ngày tháng nghèo khó...
  Mỗi người chúng ta cần chăm chỉ và có niềm tin vào cuộc sống. Cố gắng nắm bắt những cơ hội đến với mình thì chắc chắn cuộc đời mình sẽ tốt hơn…
        Nguyễn Hồng Phúc

Tham khảo:

1.    http://vuhuu.edu.vn/null/Ebook/Dien_Tich/baiso3_12.htm
2.    http://uocmo.tamtay.vn/uoc-mo/327-ai-giau-ba-ho-ai-kho-ba-doi-e327.html
3.    http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/72/36/58/17372/Khong-ai-giau-ba-ho-khong-ai-kho-ba-doi.aspx
4.    http://thptlynhan-hanam.edu.vn/forum/viewtopic.php?f=23&t=4828
5.    http://diendanbaclieu.net/diendan/showthread.php?3174-Cuoc-doi-ngheo-kho-cua-con-trai-Cong-Tu-Bac-Lieu
6.    http://vinamap.vn/nhip-dieu-cuoc-song-476/ban-chuyen-giau-ngheo-262880/index2.html