CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Tuesday, November 12, 2013

NGÀY XƯA THÂN ÁI…




Bài viết này dựa theo ký ức và tâm tư, theo bản tính tự nhiên nên lối viết có phần thiếu văn hoa bóng bảy trau chuốc như những người viết chuyên nghịêp. Mong bạn đọc thông cảm và xem như một truyện kể lại, nhớ đến đâu kể đến đó…

Thuở học trò…

Là người con của xứ Sóc Trăng sinh ra và lớn lên trong hơi ấm của gia đình mười anh chị em, tôi là con trai thứ hai sau anh lớn của tôi, mà người Nam thường gọi là anh ba.
Dù sống trong chiến tranh, nhưng nền tảng xã hội miền Nam vẫn dựa trên gia đình…Trong gia đình Cha tôi là gia trưởng trụ cột, con cái luôn luôn vâng lời và nghe theo quyết định của người. Nhớ hồi còn nhỏ tôi đi học, sáng nào cũng khoanh tay “thưa Ba, thưa Má con đi học”. Chiều về cũng khoanh tay “thưa Ba, thưa Má con đi học mới về”, cha tôi nói “đi thưa về trình”. Tôi không dám ái mộ lối giáo dục như vậy vì nó có ưu điểm nhưng cũng có khuyết điểm không kém, khi sống ở xứ người tôi nhận ra rằng trẻ em Việt Nam quá nhút nhát khi gặp và đối xử với người lớn tuổi hơn mình…
Khi ba anh em tôi ra đời, chúng tôi chứng kiến cảnh Cha tôi làm lụng vất vả và bị kẻ chức quyền lấy nhà, chúng tôi không nhà ở, phải lấy xe máy cày làm mái nhà che tạm để có chỗ ăn ngũ. Đó là những ngày đầu khó khăn mà chúng tôi chứng kiến, cha tôi nói rằng “cha làm thợ để các con ăn học thành thầy mà ngẩng đầu với đời, không chịu cảnh ức hiếp này”. Sau những năm tháng lao động gian nan cha tôi đã có được một công xưởng nhỏ ở đường Tự Đức năm 65, sau đó cha tôi còn mua thêm nhà và làm công xưởng thứ hai taị đường Lê Lợi năm 70, là ngôi nhà thờ tổ của chúng tôi sau này.
Những lúc cha tôi làm việc cực nhọc, tối đến chúng tôi thường quây quần xung quanh cha tôi để đấm bóp cho cha, mà sau này tôi kể lại cho hai con trai tôi nghe chúng nói rằng « sao ông nội sướng thế ».
Tôi vào trường Nam Tỉnh Lỵ năm 62, trường không to lắm. Lớp học có đầy đủ ánh sáng. Lúc ấy đi học chúng tôi phải đi bộ đến trường chứ không có xe gắn máy vù vù như bây giờ. Trước khi đến trường chúng tôi phải đi ngang qua sân Bạch Đằng gần trường Nữ Tỉnh lỵ nơi có những cây cổ thụ to lớn che ánh mát cho nhiều cặp tình nhân và mà giờ đây chúng đã cằn cỏi theo thời gian. Tôi nhớ mỗi sáng thứ hai phải chào cờ đứng nghiêm và hát bài quốc ca «  Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi »…Chúng tôi được học những bài học về công dân giáo dục. Bây giờ mới hiểu các cụ bảo là dạy con lúc còn thơ hay uốn cây lúc còn non là rất đúng. Tuổi thơ nghe lời thầy cô như khuôn vàng thước ngọc… Chúng tôi còn học thuộc lòng những câu ca dao « công cha như núi thái sơn nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra »…Những câu châm ngôn ấy vẫn nằm trong tiềm thức…
Hết năm tiểu học chúng tôi phải thi vào trung học công lập Hoàng Diệu, nếu ai thi rớt thì vào trường tư như Trần Văn, Lam Sơn, Tố Như, Bồ Đề, Lasan Khánh Hưng hay Phụ Huynh Học Sinh, v.v.v….Tuổi thơ ở Nam tỉnh lỵ là tuổi ăn chơi, là thời gian tung tăng phá phách hàng xóm mà người ta thường nói « nhứt quỹ nhì ma thứ ba học trò ». Chúng tôi hay hợp thành nhóm và kéo nhau đi đánh lộn với xóm khác. Lúc ấy chúng tôi sống ở đường Quang Trung mà cuối đường có cái tên gọi là đầu voi. Ngay còn nhỏ chúng tôi có thấy con voi nào đâu mà người dân vẫn gọi là đầu voi…
Vào những năm 65 lính Mỹ tràn vào Việt Nam và chiến tranh cũng như lạm phát càng ngày càng gia tăng khủng khiếp. Những quán bar mộc lên nhan nhãn như Quên Đi, Thanh Hương là kết quả của việc lính Mỹ vào Việt Nam. Đồng đô la xanh đã làm hỏng bao nhiêu đàn bà con gái thời bấy giờ. Lính Mỹ lấy vợ Việt mà đa số các cô là gái nhãy.
Chiến sự càng ngày càng leo thang. Khủng hoảng chính trị gia tăng và Phật tử xuống đường hàng ngày. Cảnh sát dàn chào với dùi cùi, lựu đạn cay. Nhiều tờ báo chui chửi thậm tệ chế độ. Nhìn quanh hàng xóm và dòng họ đâu đâu cũng có thân nhân đi lính và chết chóc…
Sau khi học xong trường Nam Tỉnh Lỵ tôi thi vào trường Hoàng Diệu lần đầu năm 66. Ra khỏi phòng thi tôi mới phát hiện mình sai một đáp số vì viết thiếu một dấu phẩy. Một dấu phẩy đủ dẫn tôi đến bờ vực giữa đậu và rớt. Tôi giận mình đã nộp bài quá sớm để được ngẫn cao đầu trước hằng trăm con mắt thán phục, nhưng có thể cuối đầu suốt một đời người. Thấy tôi nằm trên võng, bố tôi sinh nghi :
-       Mày làm hỏng bài thi rồi phải không?
-       Đâu có ba, con chỉ sai một đáp số!
-       Toán mà sai một đáp số thì còn gì trong một kỳ thi tuyển?
Bố tôi quát tháo, rút vội cây roi mây giắt trên tường gõ đôm đốp xuống bộ ván. Tôi run rẩy đến nằm sấp vào giường để nhận hình phạt. Mười làn roi vun vút như mười con rắn rúc vào đôi mông non nớt của cậu bé 11 tuổi. Mẹ tôi phải can thì bố tôi mới hả giận và ngừng tay. Mẹ tôi nói :
-       Sao ông đánh con như kẻ thù thế? Chưa chắc nó đã rớt. Bà an ủi cha tôi.
Năm đó tôi bị rớt kỳ thi tuyển vào HD, tôi đành phải vào Trần Văn học đệ thất tạm.
Thành thật nhìn nhận rằng Thầy Cô trường tư nhiều thời đó có người dạy cũng rất hay, nhưng vì trường tư của ta không áp dụng kỷ luật đầy đủ và quá chú trọng đến khía cạnh thương mãi - ai đóng tiền là được vào học mà không để ý đến "thành tích cúp cua" (tức trốn học) nên các trường công lập mới được giữ vững niềm tín nhiệm của giới phụ huynh. Nhìn lại thấy tiếc cho nền giáo dục tư thục thời đó khác với tư thục của các nước tiên tiến bây giờ. Trường tư tức là trường dân lập – ngay cả cấp đại học - ở các nước tiên tiến bây giờ rất sáng chói và “đáng giá” hơn trường công. Nhất là ở thời đại "money talks" như hiện nay.
       Dù sao giáo dục tư thục thời đó cũng rất tốt như Trần Văn là nơi đã giúp ích và đào tạo rất nhiều học sinh Sóc Trăng thành công như ông Lê Vũ Hùng nguyên Thứ trưởng bộ giáo dục một thời hay Diệp Kỉnh Tần, Thứ trưởng bộ nông nghiệp, v.v.v. Ngoài ra những trường tư này cũng là nơi để học lớp "luyện thi", những lớp hè - lớp Toán Lý Hoá, lớp Anh văn, Pháp văn, v.v. Những lớp này đã giúp đỡ học sinh rất nhiều trong việc ôn luyện lại những nguyên tắc và định lý căn bản đã học hay là sắp sửa học ở trường- thường thường là trường công. Đa số những học sinh trường công đều trãi qua những lớp luyện thi hay các lớp hè tại các trường Tư Thục này. Hồi đó cũng có những ngôi sao sáng trong giới giáo sư dạy các lớp hè và các lớp luyện thi.
Năm 66 khi tôi bước lên trung học thì Ti Vi cũng vừa mới ra nhưng chỉ phát hình vào buổi tối từ 7 giờ đến 11 giờ. Tôi nhớ cứ độ mỗi tối, cả hàng xóm kéo nhau đến trước cửa nhà tôi để xem ké những tuồng cải lương hay những bài ca vọng cổ nổi tiếng cả một thời…
Và năm sau 67 tôi tiếp tục thi vào vào Hoàng Diệu và trúng tuyển. Ngày khai giảng tôi cảm thấy lạc lõng trong đám bạn bè mới ngoại trừ B. Q Tuấn và vài bạn cũ. Lúc đó thầy Phan Ngọc Răng làm Hiệu Trưởng và năm sau Thầy Lê Xuân Vịnh lên thay thế khi tôi vừa lên Đệ Lục 7P2. Ở Sóc Trăng thời ấy chỉ có một trường Công Lập Tổng Hợp nên nam nữ học chung trường nhưng không cùng lớp. Vì chọn sinh ngữ chính là tiếng pháp nên ngay năm đệ thất chúng tôi bắt đầu học tiếng Tây tiếng U với Cours de Langue 1. Chương trình học quay chung quanh gia đình của Monsieur Vincent gốc người Gia Nã Đại. Người dạy Pháp văn đầu tiên là cô Lê Thị Thanh Nguyên trong 2 năm đầu, những năm sau lần lượt là thầy Nguyễn Khắc Hùng, thầy Nguyễn Thái Lân năm đệ tứ và cô Nguyễn Phương Yến năm cuối cùng 10B1. Ở lớp đệ thất chúng tôi cũng được học âm nhạc với thầy Võ Văn Thiên và hội hoạ với thầy Phạm Văn Thế (mất). Thầy Thiên ưa mắng học trò theo phong thái của người Nam. Học trò vẫn thích thầy bởi thấy Thầy thực tình yêu mến học trò, và giới thiệu Do-Re-Mi-Fa-Sol-La-Si khá vui. Có lẽ 3 năm đầu trung học chúng tôi được học 2 môn nghệ thuật này cho nên nhiều lúc nhớ đến hội hoạ hay phải dùng đến tài vẽ chân rắn chân rùa tôi thường nhớ đến thầy Thế, với giọng nói nhỏ nhẹ. Cũng may mắn nhờ học vẽ với thầy Thế khi sang Canada học kỹ sư tôi được điểm khá cao về vẽ hoạ đồ.
Gia đình tôi có tất cả 5 anh em trai và 5 đứa em gái đều là học sinh trường Hoàng Diệu, vì thế chúng tôi còn nhớ rất rõ nhiều kỷ niệm của trường trung học nổi tiếng của Sóc Trăng này.
Chúng tôi thật bỡ ngỡ khi lần đầu tiên vào trường trung học, lớp 6P2 (môn Pháp văn là sinh ngữ chính). Mỗi năm có 2 kỳ thi – đệ nhất và đệ nhị lục cá nguyệt. Cái gì cũng mới lạ: mỗi môn một thầy dạy, điểm số cho đến 20 ... Đề thi do chính giáo sư làm ra và không nhất thiết phải giống đề thi của lớp khác. Do đó trình độ và sự hiểu biết của những học trò khác lớp đều khác nhau. Trong lớp, anh Dương Kim Hùng lúc đó là lớp trưởng, vừa lớn tuổi trắng trẻo, lớn người lại học giỏi. Nhớ lại những ngày đầu tiên tôi mới vào học lớp Đệ Thất 6P2 (hồi năm đó 1967 trường chỉ có hai lớp đệ thất Pháp văn và hai lớp đệ thất Anh văn, một lớp trai một lớp gái) tóc còn hớt cua, còn bỡ ngỡ chưa quen với môn học mới, thầy cô mới và bạn mới.
Ở bậc trung-học chúng tôi được thụ-giáo nhiều thầy cô; mỗi người dạy một môn nên rất thích-thú do đó có những nhận xét, cảm tình tùy theo lối giảng dạy và các hành-xử của mỗi thầy cô.
Tuy mới vào còn bỡ-ngỡ nhưng vì đã mang tiếng là đứng thứ ba trong hàng ma quỷ nên những trò nghịch-ngợm được tụi tôi lôi ra trình làng: nào đặt tên cho giáo sư như thầy Khoa mà chúng tôi gọi là “chaussure no chaussette”, trêu chọc thầy cô mỗi khi tìm ra được những điều mới lạ.
Thời gian này báo chí tự do thành lập mà không có một cấm đoán nào. Những báo mọc ra khá nhiều như Chính Luận, Tia Sáng, Tiếng Vang, Sống, Dân Luận v.v.v... Nhưng hầu như mỗi ngày chúng tôi đều nghe tin tức tổng kết về chiến tranh, những bài ca nhạc yêu cầu ca tụng người lính và lệnh quân dịch hay lệnh đôn quân…Tôi rất thích đọc báo Tuổi Hoa thời ấy với những bộ truyện về trinh thám, tình yêu tuổi trẻ và lãng mạng, truyện của những tác giả trong Tự lực Văn Đoàn..v.v.v…
Năm 68 sáng sớm một ngày tết chúng tôi nghe pháo nổ dòn tai. Sau đó mới biết là Sóc Trăng đã bị tấn công. Chúng tôi bàng hoàng…Tiếng đại liên và rocket nổ dòn liền trong nhiều ngày. Sau đó sinh hoạt Sóc Trăng cũng trở lại bình thường…
Đường xa lộ số 1 và cầu cống đâu đâu cũng bị đắp mô và gài mìn. Mấy anh địa phương quân mỗi sáng phải đi gỡ mìn và giải toả đường xa lộ. Nhiều khi những ổ đấp mô bị nổ tung và thây xác người văng tung tóe trên xa lộ...hay nhiều cầu bị trúng mìn nỗi nằm trong đám hoa lục bình...làm cho sự lưu thông bị khó khăn và đình trệ.
Những năm ở trung học có nhiều biến động vì ở thời điểm chiến tranh khốc liệt. Con trai chúng tôi ai sắp đến tuổi 16-17 đều tìm cách thi qua trường Nông Lâm Súc để được miển quân dịch. Chúng tôi là những sinh viên nằm vào diện này vào năm 72 khi muà hè đỏ lửa xảy ra và chúng tôi phải mọi cách để đối phó với lệnh tổng động viên này…
Tôi nhớ mỗi cuối năm đều đi nhận lãnh thưỡng cho học sinh ưu tú. Tôi không đứng hạng nhứt nhưng năm nào cũng có phần thưởng cho mình. Tôi nhận thấy những người học sinh xuất sắc mà tôi rất hâm mộ đến ngày nay như – Trần Văn On (HD66-73), Triệu Minh Hùng (HD64-71), Lưu Kim Yến (HD64-71!), Trần Thanh Bé,  Đường Minh Hòang và Triệu Minh Nghĩa (TV65-72), Cao Chiếu Trí và Nguyễn Ngọc Hồng (HD65-72). Những học sinh ưu tú nầy được xếp hạng Giỏi nhất Trường Hòang Diệu và Trần Văn mà thầy cô nào cũ hầu như đều nhớ tên.
Rồi 4 năm trung học cũng êm đềm trôi đi…cho đến năm 71 tôi lên Đệ Tam tức lớp 10B1 thì nam nữ mới học chung. Quan hệ nam nữ lúc đó rất là hạn chế. Nếu ai thích cô học sinh nào thì chỉ biết dám đứng xa xa nhìn lén và nếu bạo dạn hơn một chút thì để lại một mảnh giấy tỏ tình… Nhưng nhiều khi một bức thư viết đi viết lại năm bảy lần rồi cũng đem giấu trong hộc tủ, chớ không dám gửi…Cũng khi học đệ tam thì đã ở tuổi bẻ gãy sừng trâu hay tuổi mà khi xưa các cụ gọi là tuổi cặp-kê, tuổi dậy-thì, nghĩa là cũng biết ăn diện, lòng cũng rộn ràng vui-mừng khi có kẻ để ý, vì thế ngoài cửa trường khi tan học đã có những trang nam nhi đứng chờ và đưa đón các nữ sinh.
Bây giờ ngồi nghĩ lại quan hệ giữa nam sinh và nữ sinh học chung lớp bổng trở nên phức tạp hơn nhiều…
Rồi lớn lên đển tuổi mười bảy cặp kê, tôi phải ra đi trong tuổi thanh niên vui vẽ tràn đầy nhựa sóng lúc mùa hè đỏ lửa năm 72, nhưng phải xa tất cả xa cha mẹ anh em bạn bè và mối tình đầu đời trong sáng của chúng tôi, tôi phải bỏ lại tất cả để vì tương lai sau này mà cha tôi nói “tụi con cố chịu cực khổ thì sau này sẽ sung sướng”.  Khi ấy em trai út của tôi chỉ được vài tháng.
Trong cuộc đời của mỗi con người, chúng ta trải qua biết bao nhiêu giai đoạn thăng trầm. Riêng tôi, khoảng thời gian sau năm năm trung học Hoàng Diệu với những kỷ niệm buồn vui, bạn bè là cái thiêng liêng cao quí nhất mà tôi sẽ phải nâng niu nó cho tới ngày tôi ra đi vĩnh viễn như những người khác đã ra đi.
Giờ này tuổi đã cao để ký-ức nghĩ về dĩ-vãng có thể có rất nhiều hồi tưởng nhưng vì ngày càng già nua không nhớ hết những hình ảnh và sự việc của những ngày đã qua làm cho tôi vui sướng như một trẻ thơ. Xin cám ơn thầy cô và các bạn, mỗi lần hồi tưởng lại dù vui hay buồn của tuổi học trò đều làm cho tôi xúc-động và xao luyến, cứ muốn trở về sống trong kỷ-niệm.
Thế rồi tôi phải rời trường Hoàng Diệu vào mùa hè đỏ lửa năm 1972, sau khi lệnh Tổng-Động-Viên vừa được ban hành cho những nam  sinh sanh trước năm 1955. Nhiều bạn chấp hành lệnh này và lên đường nhập ngũ. Một vài bạn trai khác, trong đó có tôi, chọn con đường khác đó là học nhảy lớp và luyện thi Tú-Tài I cuối cùng ở Việt Nam (kỳ thi Tú-Tài này được bãi bỏ vào năm 1973). Vì lệnh Tổng Động viên được ban hành ra quá cách đột ngột cho nên tôi chỉ có 2 tháng để sửa soạn cho cuộc thi này. Sau khi đậu Tú-Tài I với hạng khá cao cùng với sự giúp đỡ của thầy Phan Văn Nhiều, cố gắng thuyết phục sư huynh hiệu trưởng trường Lasan Khánh Hưng, frère Gabriel Nguyễn Đăng Quang, để ký cho tôi tấm giấy giới thiệu hạnh kiểm tốt để tôi nộp đơn vào Taberd Sài Gòn. Năm 1972 tôi tiếp tục học chuyển lớp 12B2 trường Taberd ở 53 Nguyễn Du Sài Gòn. Cuộc đời tôi bắt đầu tự lập từ đây.
Mấy tháng trời chuẩn bị luyện thi hai cái tú tài cũng như lúc học lớp 12B2 ở Taberd tôi chỉ cắm đầu miệt mài với đèn sách. Sự chuẩn bị cho 2 kỳ thi tú tài đã ngốn hết thời gian của tôi. Tại đất Sài thành nầy tôi cảm thấy một sự ganh đua mãnh liệt giữa các học sinh đến từ mọi miền trên đất nước. Cũng ở đô thị Sài Gòn này người ta mới thấy đây là môi trường rất tốt để học trò ganh đua, thi thố tài năng giữa các trường trung học nổi tiếng như Petrus-Ký, Chu Văn An, Trưng Vương, Võ Trường Toản, Gia Long, Taberd, Jean-Jacques Rousseau, Marie Curie, Fraternité, v.v.v…
Các học sinh từ những trường nổi tiếng của Sàigòn thời ấy, họ có rất nhiều động cơ thúc đẩy để học tập hăng say. Tất cả họ đều muốn đi nước ngoài để tiếp tục học đại học vì có nhiều học bổng dành cho những học sinh đỗ đạt cao Tú tài II.
Thiết nghĩ  mọi người khi sinh ra đều có trình độ trí tuệ như nhau, khi trưởng thành nếu có sự khác biệt về tài năng và sự cao thấp là nhờ môi trường và ý chí phấn đấu, điều kiện được hấp thụ từ môi trường học tập và thực tiễn…
Sự cách biệt về kiến thức giữa học trò đô thị và tỉnh thành rất rõ rệt trong những bộ môn như sinh ngữ, thực tập vạn vật và hóa học. Cuối năm ấy, tôi  đứng hạng thứ 5 trên 60 học sinh lớp 12B2 trường Taberd, nhưng lại dẫn đầu ba bộ môn: toán, lý hóa và công dân. Cũng tại đây tôi được thực tập mổ xẻ mấy con chuột và hiểu được phần nào những bộ phận sinh học trong cơ thể sinh vật, nhưng tôi lại ghét làm thí nghiệm trong phòng láp với những ổ điện chằng chịt và khó hiểu…Có những buổi học anh văn dài đăng đẳng với frère Bonnard và cô giáo Marian Thompson để chúng tôi thực tập tiếng Anh...
Sau khi đậu Tú-Tài II với số điểm 15/20 môn Pháp Văn, khá cao so với tiêu chuẩn được đi du học, gia đình tôi khuyên tôi nộp đơn và được chấp thuận qua Canada du học. Tôi rất e ngại việc đi du học vì nghĩ tương lai mù mờ…nên trước khi lên đường du học, tôi có dự thi và trúng tuyển Cán sự Phú Thọ và Sư phạm Kỹ Thuật Thủ Đức. Vì nghĩ rằng nếu ở lại học Cán sự Phú Thọ thì sẽ có cơ hội để tiếp tục học lên Kỹ sư tại đây.
Gia đình tôi cố thuyết phục tôi nên đi du học tốt hơn vì tương lai với lập luận rằng học ở Việt Nam thì khó có hi-vọng mà tiến thân vì gia đình tôi là một gia đình không có giai cấp trong xã hội thì là một vấn đề khó khăn lắm. Vã lại gia-đình tôi không khá giả cho lắm, cố gắng mua được cho tôi cái vé máy bay để lên đường du học là đã quá sức của bố mẹ. Phần còn lại tôi phải cố gắng lo liệu sinh sống và tự lập nơi xứ lạ quê người…
Thế rồi tháng 11 năm 1973, tôi phải hành trang cuốn gói lên đường du học Canada, bồi hồi bỏ lại tất cả kỷ niệm thời niên thiếu ở Việt Nam để dấn thân vào một cuộc phiêu lưu mới trên đất lạ quê người với một tương lai mù mịt. Ngày tôi ra đi sau mà buồn quá tôi sẽ phải xa và xa tất cả, tôi muốn hôn lên trán cha và mẹ tôi và muốn hôn lên lòng đất mẹ và nói rằng « con sẽ trở về ».
Ngày tiễn tôi ra phi trường lên đường du học, cha mẹ tôi dõi mắt trông theo, những giọt lệ cứ tuôn trào trên gò má của mẹ tôi. Tôi dường như thấy Phi trường Tân Sơn Nhất bổng chốc im lìm, không gian bổng chốc biến thành trống vắng, thời gian như dừng lại làm tim tôi quặng thắt, tôi muốn gào thét to lên, và chạy tới, níu giữ lại vòng tay người, hơi ấm, dư hương, hạnh phúc, lý sống của đời mình, rồi từ từ máy bay cất cánh xa khuất và khuất xa mãi, thế rồi tôi giựt mình nhận ra rằng tôi xa rồi mảnh đất mẹ thân thương.

Đời sống tự lập…

Khi tôi đặt chân lên vùng đất lạnh lẽo Canada gặp lại một đồng hương (anh Trầm Bá Phước) du học trước tôi vài năm trước đó, anh chỉ hướng dẩn đại khái cuộc sống xứ này, rồi bỏ tôi giữa chợ đời xa lạ và lạnh lẽo.
Trong những năm đầu vừa đặt chân lên đất khách, tôi phải làm việc part-time để trang trải cho việc học của mình như rửa chén hay làm waiter cho nhà hàng, đi hái thuốc lá ở những nông trại mùa hè với bao nhiêu tuổi nhục và cay đắng mà đứa học sinh ngoại quốc như tôi phải đối mặt. Cuộc sống tự túc và tự lập từ việc ăn uống cho đến việc học tập, cho nên tôi phải tiết kiệm từng chút cho việc tiêu xài, hầu mong có đủ tiền đóng học phí. Vì thế tôi phải đi mượn từng cuốn sách cũ của đàn anh đã học trước để dành dụm đủ tiền trang trải cho học phí đại học. Với kinh nghiệm sống tiết kiệm đã cho tôi bài học biết được sự quí hoá của đồng đô la xanh ngày xưa và tính chịu đựng cực khổ trong hòan cảnh khó khăn nhất.
Vào đầu Hè 1974 tôi cùng 2 người bạn khác – Vũ, CHS Pétrus Ký và là con cựu đại tá tham mưu trưởng trường bộ binh Long Thành và Ngọc, CHS Phan Thanh Giản và là con một đại doanh ở Cần Thơ đi Windsor, Ontario để hái thuốc lá kiếm tiền cho việc học của mình, vì hái thuốc lá 4 tháng thì đũ trang trải việc ăn học cho cả năm cho nên nhiều giống dân từ Nam Mỹ và Âu châu đến để giành việc với chúng tôi. Vì thế có quá nhiều cạnh tranh giữa những sắc dân để tìm được 1 việc trả lương khá hậu hĩnh. Những đêm đầu chúng tôi và những sắc dân khác ngủ tạm ở vỉa hè hay trong park (công viên). Người người nằm lền khênh với sleeping bag vì muốn tiết kiệm tiền bạc...Đêm thứ nhì chúng tôi bị cảnh sát đến đuổi đi vì vấn đề thẩm mỹ thành phố và vệ-sinh. Chúng tôi mới trình bày với anh cảnh sát về hoàn cảnh sinh viên nghèo đi hái thuốc lá và muốn dành dụm tiền và hỏi họ chỉ cho chúng tôi biết nơi nào rẻ nhất tại thành phố để ngủ tạm qua trong lúc tìm việc. Anh cảnh sát suy nghĩ và nói với chúng tôi là motel giá rẽ nhất cũng là 30$ mỗi đêm. Chúng tôi nghĩ cũng còn quá đắt đối với những sinh viên nghèo như chúng tôi. Chúng tôi bèn hỏi thêm là có nơi nào rẻ hơn nữa không. Anh cảnh sát trầm ngâm 1 vài giây rồi đề nghị chúng tôi là vào bót cảnh sát ngủ tạm qua đêm với 1 điều kiện là cho họ biết giờ đến và giờ muốn ra khỏi khám vì một khi vào khám ngủ thì họ chỉ cho ra với giờ đã chỉ định trước..
Thế là chúng tôi có dịp “nằm tạm ở khám cảnh sát” để qua đêm cho sự tiết kiệm của mình... đây là kinh nghiệm và kỷ niệm nhớ đời cho 1 anh sinh viên nghèo du học nơi đất lạ quê người...
Bây giờ ngồi nghĩ lại mà thấy rùng mình cho tự mình, một thân một mình ở xứ lạ quê người khi tuổi còn quá trẻ… trong khi đó những sinh-viên du-học khác là con cái của những gia-đình khá giả ở Sàigòn ăn chơi phè phởn không phải lo toan về tài chính và sự cực khổ như tôi đã phải chịu đựng, nhưng cũng là bài học quí giá cho tôi về sự nhẫn nại và chịu đựng vượt qua sự thử thách khó khăn này để được học hành đến nơi đến chốn không bỏ lỡ việc học hành trong hoàn cảnh khó khăn như những người khác …
Khi sống ở Canada, tôi mới thấy sự ganh đua trong học tập lại càng mãnh liệt bội phần khi phải chung đụng với nhiều sắc tộc khác như Tàu, Nhật, Phi, Arabe, Pháp, Ý, Mỹ, Tây Ban Nha, Nam Mỹ, Phi Châu và Canada. Sinh Ngữ Anh và Pháp Văn không phải là tiếng mẹ đẻ cho nên việc học hành của tôi có phần giảm sút chút đỉnh so với các cựu học sinh chương trình Pháp như Marie Curie, Fraternité và Jean-Jacques Rousseau.
Vào những ngày đầu sau biến cố năm 75, tôi xung phong làm thiện nguyện để tiếp đón và giúp đỡ những người đồng hương tị nạn đầu tiên đến Canada, với niềm hi vọng nhỏ nhoi là gặp lại người thân và người thương. Sau thời gian dài mà bóng dáng của sự mong đợi vẫn mịt mù, trong sự mong mỏi này tôi gặp được một cô bạn người Sàigòn gốc Bắc và sau nầy trở thành hiền thê của tôi, đây là niềm vui sau sự thất vọng dài không gặp được người thân và người thương.
Những người tị nạn đầu tiên đến Canada theo đường hàng không đa số là người bắc kỳ, khá giả hay gia đình sỹ quan cao cấp trong Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà. Anh thiếu tá không quân Nguyễn Văn Hưởng – phi trường Bình Thuỷ, anh trung tá không quân Trần Nhật Thăng – căn cứ Biên Hòa, thiếu tá không quân Vũ Tất Thắng – huấn luyện viên trường Không Quân Đồng Đế Nha Trang và trung uý Đinh Vũ gặp tôi ở trại tạm cư Longue Pointe, Montréal vào những ngày đầu, họ xầm xì và hỏi ngay tôi: ” Nhìn anh rất giống tài tử Nguyễn Chánh Tín nhưng sao anh gầy thế hay là anh là em ruột của tài tử này?”.
Tội vội trả lời rằng “các anh lầm rồi Phúc không phải em mà cũng không phải tài tử Nguyễn Chánh Tín. Phúc là dân Sóc Trăng thứ thiệt đấy mấy anh ạ”.
Từ đó tôi làm quen mấy anh sĩ quan không quân, đưa các anh về sống chung và share phòng với anh sinh viên Sóc Trăng nghèo du học. Các anh dạy tôi uống bia và nhậu nhẹt đến khuya mỗi cuối tuần tại apartment, nơi chúng tôi ở. Ở chung với các anh không quân vài năm cho nên tôi biết rất nhiều sĩ quan không quân và hải quân vùng Montréal. Những buổi nhậu nhẹt như vậy các anh bàn về những vụ phi hành với những cái chết nhẹ như đường tơ kẻ tóc hoặc chuyện các anh bay lượng trên không trung rồi bất thần đâm ù xuống để làm oai với các cô đào đi bộ dưới đất... Và qua sự quen biết này là mối liên đới cho tôi biết được nhiều người khác, tôi quen rất nhiều các sỹ quan không quân và hải quân trước 75 như anh Hưng, anh Huê, anh Kiệt, anh Lập và anh Thọ. Qua Hưng tôi cũng làm quen được chị ca sỹ Hà Thanh, có chồng là bác sỹ Kim, Hưng em trai bác sỹ này là sĩ quan hải quân. Trong ba anh bạn sĩ quan không quân có một anh gọi ông Nguyễn Tấn Đời bằng cậu. Vì thế chúng tôi có dịp gặp mặt và trò chuyện với ông ta ở Montréal...
Tôi còn nhớ vụ scandal của nhà băng Tín Nghĩa Ngân hàng với ông Nguyễn Tấn Đời đã lấy của và vơ vét tiền bạc của nông dân để chuyển ra ngoại quốc cho con cái ăn học và bị ông Thiệu bỏ tù. Sau này gặp lại ông ta ở Montréal những năm 76-77 với nhà hàng buffet Kobé (all you can eat). Tôi có dịp trò chuyện ngắn ngủi với ông và hiểu được tính tình ma lanh của ông ta và vì sao ông làm giàu quá dể dàng… Một ngày cuối tuần tôi và các anh bạn phi công đến ăn nhà hàng Kobé và gặp ông Đời. Ông chào chúng tôi và giới thiệu mấy món ăn ngon buffet của nhà hàng như súp măng tây cua, cơm chiên dương châu, tôm tẩm bột chiên là món đắt tiền nhất. Ông bảo “các cháu nên ăn nhiều súp, vì ở đây súp măng tây cua ngon lắm”. Tôi nghĩ nếu ăn nhiều súp thì làm sao còn bụng mà ăn tôm tẩm bột nữa… Ổng khôn quá trời… Một bữa khác chúng tôi đến thăm ông ta với cháu ông ấy, một trong những anh sĩ quan phi công vừa lúc ông ấy đang mắng dạy một người làm công vì ông vừa bị mất 1 cây bút trong văn phòng ông ấy. Ông bảo “đứa nào cả gan mà lấy cây bút của ông thì sẽ có một ngày nó sẽ lấy tiền bạc của ông. Và xa hơn nữa nó sẽ lấy cả cái gia-tài của ông ta….” Tôi hết ý kiến về sự suy nghĩ lạ lùng của ông…
Vào một ngày đẹp trời năm 77 tôi nhận được một cú điện thoại với một giọng nói quen quen
 “alô Phúc đó hả”,
 “xin lỗi ai ở đầu dây đấy”. Tôi hỏi ?
 “thầy đây, thầy Nguyễn Thái Lân đây” đầu dây bên kia trả lời
Tôi mừng rỡ vì vừa được tin của người thầy Hoàng Diệu năm xưa, xin vội địa chỉ của thầy và tức tốc lái xe ngay để được hội ngộ và ăn một bửa cơm trưa với thầy cô. Thầy cô trông vẫn như xưa. Thầy vẫn mập mạp và to lớn như người đại hàn… Thầy tâm sự rằng đã qua được gần một năm và đang dạy sinh ngữ cho một trường trung học ở Montréal. Thầy rất thất vọng, đúng ra là chán nản về cách đối xử của học trò tây phương. Gặp lại học trò cũ thầy rất đổi vui mừng vì trùng phùng hội ngộ và thầy rất cảm kích và rất quí học trò Việt Nam, vì các học sinh này thì kính thầy trọng đạo. Có lẽ thầy sẽ không dạy tiếp tục một ngày gần đây. Vài năm sau thầy cô có đến dự tiệc cưới của vợ chồng tôi. Rồi khoảng một năm sau đó gia đình thầy dọn về Toronto sinh sống bằng nghề bán life insurance. Hơn mười năm sau đó (1989) thầy cô sang Paris để thăm thầy Ngô Trọng Bình và lúc đó thầy và cô lâm trọng bịnh, thầy Bình sau nầy kể lại …. Cách đây vài năm các bạn bè Hoàng Diệu cũ có thấy tin chia buồn phân ưu Thầy Michael Nguyễn Thái Lân trên báo địa phương Toronto. Mấy bạn không dám chắc là thầy Lân vì có chữ Michael đứng trước tên thầy. Và kể từ đó thầy Ngô Trọng Bình bặt tin không còn tin tức gì của thầy cô Nguyễn Thái Lân nữa…Dầu sao đi nữa thì đây cũng không phải là một tin vui cho cựu học sinh Hoàng Diệu nên tôi không có ý định đề cập nhiều hơn...
Trong bốn năm học thật vất vả về mặt vật chất vì phải đi làm bán thời gian để cung cấp cho việc học hành và cuộc sống hàng ngày, tôi ra trường với mảnh bằng kỹ sư về cơ khí và vẫn tiếp tục đi làm để sinh sống. Với tấm lòng ham học và muốn có cơ hội để tiến thân về sau, tôi tiếp tục học lên Cao Học. Sau bốn năm học bán thời gian, vừa đi làm vừa đi học, tôi đạt được bằng Cao Học về Tài Chánh (MBA) . Sau đó tôi cũng tiếp tục học thêm Cao Học Kỹ Sư Cơ Khí.
Cuộc sống tha hương nhiều năm tôi đã bắt đầu hòa nhập với xứ sở này, tuổi tác ngày càng già ở cái xứ Canada lạnh lẽo này, không như ở Cali nơi miền nắm ấm quanh năm, hội Cựu học-sinh Hoàng Diệu Cali đã không quản ngại những khó-khăn, vẫn hàng năm tổ chức ngày hợp mặt thân hữu Sóc Trăng Cali, họ đã làm công việc của người con dân nước Việt là vinh danh các giáo sư của trường, hơn nữa là dịp cho bạn bè và đồng hương của trường Hoàng Diệu Sóc Trăng có thể gặp nhau ôn lại những kỷ niệm về các thầy cô, bạn bè cũ, ít nhất họ cũng tìm được tuổi thơ trong những giờ họp mặt. Còn ở đây chúng tôi chưa làm được việc này như ở Cali, thật là điều đáng tiếc.
Với tấm lòng vị tha nhân ái và với tâm nguyện muốn làm một việc gì đó hữu ích cho Cộng Đồng Việt Nam tại Montréal, tôi xin làm việc thiện nguyện (dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam) cho chùa Liên Hoa, Hội Hướng Đạo Việt Nam vùng Montréal và phó huấn luyện viên hội Soccer Brossard từ năm 1994 đến 2005. Việc làm thiện nguyện nầy đem lại cho tôi nhiều sự phiền phức cho cuộc sống riêng tư, nhưng nó cũng mang lại cho tôi những món quà tinh thần đáng kể. Thỉnh thoảng ra đường gặp một vài em học sinh đã trưởng thành, mà trước đây tôi dạy các em, các em gọi tôi và chào « chào thầy ạ » hay « bonjour M. Nguyễn » làm cho lòng tôi vui hẳn lên và cảm giác thấy người ấm lại làm sao ấy…

Kinh nghiệm trong việc dạy các em Việt nam ở hải ngoại

Trong phần thảo luận và trao đổi kinh nghiệm giảng dạy, cô Bích hiệu trưởng trường Liên Hoa ở Brossard đã cho rằng:  “Về tiếng Việt, thầy cô không bị trở ngại. Song vì các em được sinh ra ở Canada, ở Mỹ hay Pháp và là công dân những nước ấy, thì tiếng Việt đã trở thành một sinh ngữ.  Do đó, người thầy cần có khả năng Anh Văn và Pháp văn trước, kế đến là khả năng sư phạm.
Trong những năm 90 đến 95, mặc dù chùa Liên Hoa chỉ có sáu lớp cho khoảng 110 em đủ lứa tuổi từ 7 đến 20 tuổi, chúng tôi vẫn có thể cho học sinh thi xếp lớp để cho các em vào những lớp thích hợp nhất cho trình độ và lứa tuổi của các em. Nếu sau đó thầy cô nhận thấy trình độ vẫn chưa thích hợp với một vài em thì họ có thể đề nghị lên Ban Giám Hiệu để cho những em này lên hoặc xuống lớp. Cũng cần nói thêm rằng, trình độ cao hay thấp còn tùy thuộc vào thời gian các em bắt đầu học Việt Ngữ, chứ không chỉ căn cứ vào tuổi tác của các em mà thôi.
Khi bàn luận đến phương cách giúp cho lớp học thành công và có thể lôi cuốn được sự chú ý của học sinh, không khí thảo luận đã sôi động hẳn lên. Các em thường cho rằng người thầy luôn phải có những “chương trình back-up activities, với khoảng nửa tiếng sinh hoạt, nhất là vào những dịp lễ.” Chúng ta muốn nói đến các trò chơi đố vui và game có tính cách giáo  dục… Ngoài ra, giáo viên nên khen ngợi học sinh “bằng lời và bằng phần thưởng.”  Đây là một cách nâng cao lòng tự tin và sự hãnh diện của các em.  Nhờ vậy mà lớp học của tôi luôn sinh động, và đa số các em làm bài tập ở nhà  ‘homework’  hàng tuần.
Thêm vào đó, theo tôi đức tính quan trọng của người thầy là sự tích cực trong việc soạn bài và giảng bài. Trong lớp học, người thầy cần tránh độc thoại mà trái lại, nên khuyến khích tối đa sự tham gia phát biểu của học sinh, bằng những câu hỏi gợi ý, bằng những lời khen ngợi hoặc phần thưởng nho nhỏ…
Người thầy nên theo nguyên tắc đọc đúng từ cái dấu hỏi, dấu ngã cho đến sự phân biệt giữa s và x, giữa tr và ch, giữa r và g hoặc gi day dì có g hoặc không g...  Khi đọc chính tả, chúng ta nên cố gắng quên đi cái điạ phương Bắc – Nam -Trung của mình để chú tâm đọc cho đúng ngõ hầu giúp học sinh viết đúng.  Đươc như vậy, chúng ta đã tránh cho học sinh sự bối rối trong khi viết, vì chúng ta phải công nhận rằng chính tả là một môn học rất khó đối với các em được sinh ra và lớn lên ở đây.  
Bên cạnh việc đọc đúng, người thầy còn phải đọc hay nữa. Lý do là vì đọc đồng nghĩa với diễn cảm, là chuyên chở ý tưởng và lời hay, làm cách nào để học sinh cảm nhận được giá trị của bài văn.  Người thầy cần đọc to, rõ ràng, chậm rãi và truyền cảm để lôi cuốn sự chú ý và yêu thích bài văn ngay từ phút đầu. Theo thiển ý, người thầy không chỉ dạy bằng miệng với nụ cười và lời hay ý đẹp, mà còn diễn tả bằng mắt với cái nhìn biểu lộ tình cảm vui buồn, yêu ghét, hay dở,  và cả bằng cử chỉ, điệu bộ nữa.  Sự vận dụng ngũ quan một cách hồn nhiên của mỗi thầy cô sẽ giúp cho lớp học luôn linh hoạt mà không buồn chán, khi chúng ta chỉ cố gắng nhồi nhét vào đầu học sinh những điều mà các em không thích quan tâm đến thì làm cho lớp học thêm nặng nề.
Ngoài ra, thầy cô giỏi còn có nhiều đức tính khác nữa, chẳng hạn như sự hòa đồng, sự thông cảm, tính vui vẻ, hài hước, cái khả năng biến một lớp học tẻ nhạt thành vui nhộn sinh động đó chính là nghệ thuật dạy học của người thầy. Do đó, cần để ý từ lời nói, giọng đọc đến cách nhìn, dáng đi và trang phục… Khi đã gây được sự thích thú cho học sinh rồi thì các em sẽ mong đợi giờ học, vâng lời và sẵn sàng làm theo lời dạy dỗ của thầy cô....

Cuộc sống trên xứ người…

Trải qua một quãng thời gian dài đăng đẳng trên xứ người và lăn lộn với cuộc sống thời sinh viên nghèo khổ cũng như lúc đi làm bình thường bằng nghề Kỹ Sư, có thể đã làm cho tôi gần như quên hẳn kỷ niệm với bạn bè cũ của trường Hoàng Diệu. Thời gian gần đây do liên lạc được với Bùi Ngọc Thạch, tôi tìm lại được những người bạn cùng lớp ngày xưa để có dịp chia sẻ những kỷ niệm thời niên thiếu ở nhà trường.
Nhân kỳ về thăm quê hương gần đây, tôi tìm thấy cuốn Kỷ-Yếu Lasan Taberd 72-73 nằm nguyên vẹn trong một góc tủ. Trong tập Kỷ-Yếu có liệt kê những cựu học sinh, giáo viên và ban giảng huấn trường với những sinh hoạt của trường bằng hình ảnh cũng như những trang dành để vinh danh những học sinh xuất sắc trong từng bộ môn và từng lớp. Xem xong tập Kỷ-Yếu này, tôi không khỏi có những suy nghĩ về ngôi trường cũ mà tôi đã theo học 5 năm. Mặc dù ngày nay đã có nhiều cố gắng để làm ra đặc san Hoàng Diệu với vài trang vinh danh những cựu học sinh xuất thân từ Hoàng Diệu, nhưng nội dung chính của đặc san chỉ cho biết tin tức tổng quát của trường với tính cách thông tin. Trường chưa có truyền thống như những trường khác ở đô thị lớn như Sài Gòn, tập Kỷ-Yếu được phát hành đặc biệt cho từng niên khóa với hình ảnh từng học sinh các lớp sắp sửa ra trường cũng như còn đang ở tại trường với đầy đủ dư liệu về tên tuổi, cảm nghĩ của các thầy cô cho từng năm học. Đây là một món quà rất quí giá cho học sinh về sau, có dịp xem lại những kỷ niệm thuở học trò...
Đã hơn 40 năm xa cách, cuộc đời trôi nỗi bôn ba nhưng những kỷ niệm thi đua học tập thời niên thiếu dưới mái trường Hoàng Diệu vẫn không phai mờ trong ký ức. Với những giờ dạy nhạc của thầy Thiên, giờ hội họa của thầy Thế, những buổi « đố vui để học », tính nhẩm đáp ứng nhanh về toán, lý hoá của thầy Nhiều và thầy Lân. Làm sao quên được cách giảng dạy triết lý của thầy Nguyễn Tư Thiếp. Học trò hay hỏi thầy « Tư Thiếp » nghĩa là gì? Có đứa trả lời thầy rằng « Tư Thiếp » là... « vợ lẻ » thì bị thầy mắng khéo là ngu đần, không hiểu cái nghĩa sâu xa của tên thầy. Cái triết lý thầy giảng dạy đã giúp tôi học được cái tính phân tích tỉ mỉ (analytical sense) ở xứ người.
Nhớ mỗi chiều chiều, bộ ba thầy Thiếp, Nhiều và Lân thường đi dạo ngoài đường phố Hai Bà Trưng cho khuây khỏa sau những giờ dạy căng thẳng. Ở cái tỉnh nhỏ này ngoài việc đi bộ thì đâu có thú tiêu khiển nào khác. Những người thầy trẻ tuổi này đã từ bỏ nhiều về tiện nghi và cuộc sống nhộn nhịp của đất Sài Gòn để về miền quê hẻo lánh như tỉnh Sóc Trăng nhận công tác giảng dạy.
Thầy Nguyễn Thái Lân dạy học trò cách tập trung tư tưởng vào sự suy nghĩ bằng cách học « thiền » trong lớp. Cô Nguyễn Phương Yến bị học trò cột áo dài vào bàn học khi cô đi xuống từng bàn học sinh để cắt nghĩa môn Pháp Văn một cách hăng say. Và nhất là không thể quên thầy Ngô Trọng Bình dạy sinh ngữ Anh có cái hình dáng oai nghiêm và to lớn rất ư là Mỹ.
Không khí se lạnh của Montreal vào đầu xuân cũng như những emails của các bạn cũ Hoàng Diệu gửi đến từ Mỹ, Pháp và quê nhà làm tôi nhớ về trường Hoàng Diệu. Trong chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi có dịp trở lại thăm trường, mới thấy trường khác xưa rất nhiều, hầu như đổi mới hoàn toàn. Chạnh nhớ sân trường cũ với hàng cây phượng vỹ mà mỗi độ hè về những cánh hoa đỏ thắm nở rộ cả một gốc sân. Nhớ những người thầy hết lòng giảng dạy để tạo cho đàn em những kiến thức căn bản cho cuộc đời. Có những thầy và bạn đã vĩnh viễn ra đi, những người còn lại thì cái tuổi trẻ cũng không còn.
Là cựu học sinh Hoàng Diệu nhưng dù ở phương trời xa thẳm nào, người ta vẫn không quên mái trường xưa yêu dấu. Bao cảm giác bồi hồi khi những kỷ niệm hiện về theo trí nhớ, thầy cũ bạn xưa ...
Bây giờ bạn bè cùng lớp ở tuổi trên năm mươi và cũng sắp về hưu. Chúng tôi suy nghĩ nhiều về Thầy Cô đã từng dậy dổ cho chúng ta nên người.
Tôi viết bài Ngày xưa thân ái này với cả niềm tri ân sâu sắc đối với Thầy Cô, những người đã mở đường và xây dựng khung trời ân ái cho tuổi trẻ chúng em bước vào đời với hành trang trĩu nặng yêu thương, để cho chúng em biết sống tốt đẹp với đời... Cho nên thông qua bài viết này như bài tỏ lòng kính trọng và cám ơn các thầy cô đã dạy dỗ chúng em... Các thầy Cô xứng đáng được hưởng về hưu với thật nhiều sức khỏe và những kỷ niệm đẹp của thời đi dạy học…
Khi lớn về già, con người chỉ thích sống với quá khứ vì hình ảnh quê hương và tuổi thơ ấu thần tiên luôn luôn còn trong ký ức và còn hiện ra rõ ràng nhất và mãi mãi không phai!. Những lúc rãnh rỗi tôi vẫn nghĩ về quê cũ với kỷ niệm thời ấu thơ, dù nhắm mắt lại hình ảnh và kỹ niệm thời thơ ấu vẫn còn in đậm nét trong tiềm thức... Những bài hát mà tôi cho là hay nhất viết về quê hương như tình hoài hương, chiều quê, làng tôi, vvv… Lời ca rất bình dị, gợi cảm nhắc nhở nhiều kỷ niệm và hình ảnh của làng xưa với luỹ tre xanh, cánh đồng lúa vàng và hình ảnh của cả một quê hương, cả một thời thơ ấu.
     Ngày nay trở về Sóc Trăng, nhìn lại chẳng thấy luỹ tre xanh mà chỉ thấy cột điện và dây điện chằng chịt thì không còn là làng quê nữa. Đâu đâu cũng thấy mấy cày thửa ruộng chứ không còn con trâu nào nữa. Phải công nhận Sóc Trăng ngày nay trù phú hơn ngày xưa rất nhiều. Đây là sự tiến bộ đáng khen nhưng tôi vẫn tiếc nối cái thời xa xưa ấy, tìm lại ngày xưa thơ ấu tự như mò kim dưới đáy biển ấy! Tôi nhận thấy Sóc Trăng ngày nay ít thích hợp đối với mình, cảnh cũng như người. Bạn bè ngày xưa dù là thân thiết bây giờ gặp lại, tuy vui vẻ bề ngoài, nhưng tôi vẫn cảm thấy có cái gì đó gượng gạo, cách biệt khó mà diễn tả thành lời, hay vì chúng tôi đã quá già…  
Thời gian cứ trôi qua, tôi đã trưởng thành già nua và đã hiểu ra rằng tôi không hề phải chọn lựa giữa quê hương thứ nhất là Việt Nam và quê hương thứ hai là Canada.
Tôi yêu mến đất nước Canada này, là đất lành cho cây lớn lên thành một cây quýt ngọt « đất lành chim đậu », và cũng nơi này không hề mang cho tôi sự lo lắng ưu tư khi tôi đem chia sẻ trái ngọt đó với nơi tôi sinh ra. Tôi không thể ví mình như cá hồi mà phải chọn lựa giữa sông và biển? Tinh thần của nước Canada luôn khuyến khích mọi người góp sức làm thế giới tốt đẹp hơn và tôi đã và sẽ làm như thế. Tôi sẽ cố gắng hơn ở nhiều phương diện khác nhau, mang lại những may mắn và cơ hội mà tôi đã được nhận nơi đây. 
    Tôi yêu Việt Nam là nơi tôi đã sinh thành và tôi yêu Canada là nơi đã duỡng dục tôi. Lắm lúc tôi ưu tư phân tích tình cảm cuả mình, Việt Nam là tình, Canada là nghiã... Rồi tôi lại tự hỏi có phải như vậy không, hay là ngược lại?. Thế rồi tôi bật cười và nghĩ mình thật là lẩn thẩn, bởi vì tình cảm đâu thể phân loại hay đặt tên.
Khi trở lại Sóc Trăng sau 40 năm, tôi về căn nhà cũ đường Tự Đức và hồi hộp chóng thấy lạ hình ảnh kỷ niệm ngày xưa. Nhưng than ôi, mọi sự đã biển dâu. Người ta đã xây nhà mới trên nền móng của nhà cũ của chúng tôi. Không còn cái giếng và cây chùm ruột ngày xưa… Người chủ mới xây dựng nhà khang trang. Tôi đi vào xin gặp chủ nhà để quan sát. Nước mắt tôi ứa ra. Tôi trở thành kẻ xa lạ ngay trong ngôi nhà này, ngôi nhà mà tôi sống hơn 6 năm thời niên thiếu... cái gì đó xa xăm quá trong tôi giờ chỉ còn là kỷ niệm.
Sóc Trăng thân yêu của tuổi thơ ngày nay không còn nữa. Nhưng Sóc Trăng của mưa nắng hai mùa vẫn còn đấy, với những mảnh áo dài tha thướt trước cổng Hoàng Diệu giữa trưa hè nắng gắt vẫn còn đây, tiếng chuông chùa vẫn còn vang vẵng bên tai và tiếng chuông nhà thờ xóm đạo bây giờ bị lấn áp bởi tiếng xe gắn máy tấp nập đường phố vẫn còn vang âm hưởng xa xăm… và tôi bao năm tháng trôi qua vẫn một niềm hoài vọng về Sóc Trăng của ngày xưa thân ái…

Nguyễn Hồng Phúc