CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Saturday, August 23, 2014

Dáng Kiều thơm


Đọc nhiều lần bài Tây Tiến của Quang Dũng rất  nhiều lần mà rốt cuộc tôi chỉ nhớ được câu
“đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”. Nhưng thực ra, hình ảnh những người đẹp Hà Nội của
ông không bao giờ  xa hẳn ông, xa hẳn những câu thơ của ông. Lúc nào cũng thấy họ  thấp
thoáng. Lúc  “trong đáy cốc, nói cười như chuyện một đêm mơ”, lúc “áo mỏng buông hờn
tủi”, lúc “rạt rào” những “dòng lệ thơ ngây”…
Tôi ở Hà Nội trong những năm còn rất bé. Ký ức về thành phố này không có được bao nhiêu.
Hồi ấy tôi còn quá nhỏ. Nhớ được mấy con đường gần nhà đã là nhiều lắm. Thỉnh thoảng
theo người lớn đến vài ba nơi mà  tôi cũng chỉ nhớ được một hai cái tên đường. Chưa có
được cả một mối tình. Nhưng tôi vẫn còn nhớ được  vài ba khuôn mặt mà nếu có liều lĩnh
gọi đó là những dáng kiều thơm thì cũng có thể tạm coi là được.
Cạnh nhà tôi là gia đình một ông giáo. Ông có một cô con gái mà tôi nghĩ là đẹp lắm. Cô tên
là Th. Chắc cô phải hơn tôi  sáu tuổi là ít. Gia đình ông sống kín đáo, không bao giờ nghe
thấy bất cứ một thứ tiếng động hay tiếng người  nào từ nhà ông bay vọng  ra. Ngay cả mấy
ông chú của tôi cũng không biết được bao nhiêu về cô. Có thể tôi lại còn biết cô hơn cả mấy
ông chú rất tinh nghịch của tôi là đàng khác. Trong lớp nhạc ở phố Cửa Nam, một hôm tôi
thấy cô đến để nhờ ông nhạc sĩ dậy đàn cho tôi tập cho cô hát bài Tình Thắm của Vũ Nhân.
Mấy câu đầu của bài hát ở lại với tôi từ đó…
Tôi nhớ một chiều xa xôi chớm thu. Em đến thăm tôi một chiều khi nắng  vàng. Cỏ cây
dường như khoe sắc thắm, nghiêng nghiêng đón gót người đi yêu đương  dâng sóng tình
mến…
Mấy tháng sau, gia đình tôi di cư vào Nam, nhưng bài hát ấy thì vẫn còn trong ký ức của tôi,
và  cô vẫn đến “thăm” tôi những chiều khi nắng vàng, có hoa cỏ dâng sóng tình mến…
Tôi  tiếc  không có thêm được mười tuổi  để chuyến đến thăm như trong ca khúc của Vũ
Nhân  có thể diễn ra trong những tháng ngày ở Hà Nội. 
Gia đình cô có đi Nam không thì tôi không cách nào biết được. Cuộc sống đưa đẩy, tôi quên
hẳn cô Th. Cô có vào Sài Gòn, có sống ngay cùng ở cái thành phố ây có khi tôi cũng không
biết. Tới tuổi biết đi tìm cô (nếu gia đình cô  ở Sài  Gòn) thì tôi lại không ở thành phố đó
mấy năm. Rồi những quen biết mới, những  nơi sống mới lại càng đưa tôi đi xa thêm nữa.
Th. không còn ở trong  đầu óc của tôi nữa.  Chỉ thỉnh thoảng lắm, khi nhớ lại vài ba câu
trong bài hát cũ, Th. mới xuất hiện. Th. của tuổi 16 hay 17, chiếc áo dài trắng, đôi guốc cô
để dưới chân cầu thang khi leo lên căn gác có lớp dậy nhạc ở phố Cửa Nam, mùi mái tóc  bay
nhẹ khi cô cúi xuống tìm bản nhạc  trên cái pupitre của tôi.
Chắc dáng kiều thơm thì phải như thế.
Bây giờ, chắc cô đã phải 75 hay  76 tuổi. Cô chắc phải làm bà nội, bà ngoại vài ba lần. Cô ở
đâu sau những dâu biển tang thương của đất nước? Cô ở lại Hà Nội hay cô cùng gia đình đi
Nam, vào Sài Gòn, Đà Lạt hay Huế? Hay cô cũng di tản ra nước ngoài?
Nếu ở lại Hà Nội, cô có còn ở lại khu nhà cũ ở gần Văn Miếu không? Cô có  trở thành cán
bộ, lấy một anh chồng răng đen mã tấu nhà quê nhà mùa không? Cô có dọn về một căn “hộ”
trong một khu tập thể nào không, ngày ngày lo cho anh răng đen mã tấu  để cho chàng  chiều
chiều co cẳng hút thuốc lào vặt nói phét ông ổng khắp khu nhà không?
Và lũ con, cháu nội ngoại của cô có đứa nào chửi thề luôn miệng, động một chút là lôi nhau
ra đường đánh nhau xong còn xé quần áo của nhau ra cho  lũ bạn mất dậy thu video clip tung
lên mạng  mà báo chí đã thuật lại hàng trăm vụ hay không?  
Tôi chưa về Việt Nam bao giờ, mà có về thì cũng chẳng dám lần về khu nhà cũ để hỏi thăm
kiếm cô đâu.
Vô phúc gặp ngay một con mụ cán bộ mặt mũi đanh ác chửi cho môt trận, lại hắt cho một
chậu nước bẩn vào mặt  kèm theo một cái bĩu môi trông như ông Phạm văn Đồng lúc xấu
trai nhất thì đau đớn cho đời khỉ già lưu vong biết là bao.
Không dám đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm nữa đâu. Bố bảo cũng chịu thua.  

Bùi Bảo Trúc