CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Friday, August 29, 2014

Đêm màu hồng



La vérité est plus choquante que la fiction *
(A.Robble-Grillet)           
   
Từ Pleiku về Sài Gòn bằng chiếc trực thăng hai quạt Chinook của Không Lực Mỹ, đáp xuống
phi trường quân sự vào nửa đêm, trời vẫn còn mưa, mặt đường ướt, soi rõ những ngọn đèn in
bóng lung linh trên mặt lộ. Tôi ngồi yên trong lòng tàu sau khi chuyển xong ba quan tài lính Mỹ
ra khỏi đây. Hành khách dân quân Việt Mỹ vội vã, đầu đội mưa chạy nhanh về phiá phòng khách
phi cảng.
Tôi đút đầu vào chiếc Jeep quân sự mà “ông thầy” đã bố trí đưa tôi về thành phố, phố phường
lúc ấy đã đi ngủ, rải rác một ít người đi chơi đêm về muộn, một vài con chó ốm đứng cạnh đống
rác bên đường. Người tài xế cắm đầu lái, không nói. Tôi mở gói thuốc mời anh ta, hắn lắc đầu
từ chối. Chẳng bao lâu xe đến nhà. Căn nhà băng-ga-lô xây gạch, tráng vôi trắng, kiểu Tây ở
đường X. quận Y. Hiên nhà vây quanh giàn hoa giấy màu tím tía, trồng đã lâu; bên trong trang
trí đơn sơ, phòng ngủ tương đối thoáng mát. Người quản gia đưa tôi phong thư, cầm trên tay,
không thấy ghi tên người gởi chỉ viết tên tôi; tôi biết, mở ra đọc: ”Ngày 23 tháng 12 năm
197…tôi đến Sài Gòn vào khoảng 5 giờ chiều. Cậu chờ tôi ở nhà. Ký tên T.T.N.”
Tôi vật người lên giường và đánh một giấc tới gần trưa cùng ngày. Bừng mắt dậy không nghe
một tiếng động nào trong nhà, chỉ còn lại mình tôi với căn nhà thuộc điạ. Bên ngoài, gió rì rào
lay động những bụi cây trong vườn, tiếng còi xe vọng lại từ xa. Tôi nghĩ đến Ái Cầm giữa lúc tôi
còn những việc khác phải làm cho “ông thầy”. Gác lại; tôi phải đi gặp nàng, ba tháng qua không
một tin tức về người yêu. Đó không phải là điều làm tôi nghi vấn, tôi hiểu rõ tâm hồn Ái Cầm từ
ngày hai đứa gặp nhau ở trường sĩ quan Thủ Đức và mãi cho tới bây giờ. Hai đứa tôi giữ kẽ cho
nhau. Bởi cuộc tình thơ mộng và lý tưởng. Tôi nghĩ thế.
Ái Cầm gặp lại tôi, nhoẻn nụ cười thân ái, dưới tà áo lụa màu hạnh nhân, tóc chít cao, nàng có
cái dáng kiêu sa, đài các, sau khi tắt nụ cười trên môi, Ái Cầm trở về nét đẹp sầu muộn của
người Trung Đông. Tôi đi bên cạnh nàng thơm mùi hương hoa mộc lan, nàng nghe tôi nói nhiều
hơn nàng nói, khách qua đường đưa mắt nhìn say đắm.Trời chiều Sài Gòn có gió trong lành thổi
từ lòng sông lên làm tung bay những tà áo mỏng, những ngọn đèn màu khoe sắc quyến rũ, tôi
cảm thấy êm dịu và cố tâm thụ hưởng cái không gian, thời gian lúc nầy, để bù vào những ngày
tháng mịt mù sương khói ở tuyến đầu. Tôi lao mình như thích khách, bởi Ái Cầm là phép mầu
của tình yêu. Hai chúng tôi đi lần vào bóng chiều của một ngày cuối tuần trong một thành phố
đầy ấp hẹn hò…
Chiếc Citroen DS đời 65 màu huyết dụ đổ ngay trước sân nhà. “Ông thầy” kẹp xấp hồ sơ trong
nách, tay kia xách samsonite da đen,  xô cửa  bước vào nhà, tôi sẳn sàng đứng đợi ở cửa đón ông
thầy.
Ông nới cà-vạt ở cổ, áo sơ-mi đẩm mồ hôi, hai má phình tròn dưới lớp da nâu, chiếc áo vét màu
đất nung không che nổi cái bụng trướng của ông. Hình hài và y phục như thế khó mà nhận ra đây
một con người đạo đức. Y buộc miệng hỏi:
- Mọi chuyện xong rối chứ? Cho tôi tin tức về Pleiku. Đường giây ở Camp Holloway thế nào?
Giá cả không thay đổi? Nghe Hai Trí đòi giảm vì tình hình cuộc chiến mỗi ngày mỗi trở nên
khốc liệt?  Ông thầy hỏi.
- Dạ thưa anh tình hình sinh hoạt không đến nỗi tệ. Em sẽ giải quyết ổn.Tôi nói.
- Ít hôm nữa cậu đi miềnTrung.Tôi sẽ thảo luận với cậu. Đợi tin tôi. Ông thầy nói.
Trao cặp da cho tôi đoạn dạo quanh nhà, giây lát thì thấy xe đã ra khỏi cổng sắt. Gió đuổi theo
xe để lại đám bụi mờ giữa buổi sáng trời khoe nắng, bên ngoài xe cộ ào ạt tuôn như dòng thác.
Tôi ngồi xuống ghế, ôm đầu trong tư thế lo lắng cho một ngày mai mà mình phải đương đầu với
việc làm hết sức nguy hiểm giữa thời buổi nầy, điều suy nghĩ lớn lao nhất là xa Ái Cầm, cứ mỗi
lần gặp nhau không dài lâu thì lại chia xa; đáng ra tôi phải dành trọn thời gian yêu thương với Ái
Cầm. Có thể hôm nay hay ngày mai tôi đi theo lệnh cấp trên, một cái thế chẳng đặng đừng mà
buộc phải chấp nhận. Ngọn nắng bên ngoài len qua cửa sổ, đâm thẳng vào mặt tôi, xoáy tôi về
với thực tại. Đứng dậy; lấy giấy ghi vội vài giòng gởi người yêu: ” Em yêu! Anh phải đi về miền
lửa đạn, điạ đầu giới tuyến. Có thể hôm nay hay ngày mai. Ngày về anh gặp lại em. Anh N.T”
Tôi trao thư cho quản gia và chuẩn bị hành trang.
Quả như dự tính, ngày hôm sau tôi được lệnh lên đường với một sứ mạng ”không tên” cứ như
thế mà làm theo lời dặn. Vùng phi quân sự DMZ-17 thật hãi hùng, bốn bề vắng bóng người như
bãi sa mạc hoang vu, căn cứ phi trường dã chiến quân sự đìu hiu một mình giữa lòng đêm,
những trụ đèn buồn thiu toả thứ ánh sáng mờ ảo với dãy đèn phi đạo chôn sát đất chạy dài, gây
cho tôi nỗi buồn xót xa và nhớ tới người yêu, tôi rùng mình khi nghe tiếng súng nổ từ xa đưa về,
có lẽ ở  tuyến phòng bên kia hay bên này. Đêm phủ lấp không gian, khó mà định hướng lúc nầy
mình đang ở đâu, tôi gắn điếu thuốc lên môi, nhả khói chờ đợi người mình sắp gặp.
- Xin ông xem lại mặt hàng có đúng số lượng như trong biên bản đã ghi? Tôi nói.
Tôi trao tất cả những gì tôi có trên tay cho người khách lạ và nhận ở họ một xách tay khác.
Người khách vỗ vai tôi với lời lẽ dặn dò như gởi niềm tin.
- Mọi sự đều tốt đẹp. Tôi sẽ điện vào cho thiếu tá Nghị hay. Người khách lạ nói.
Nằm lại trong căn cứ tiền đồn chờ phương tiện để vào Nam. Đã ba ngày qua tôi ở trong thế bị
động, trận chiến bùng nổ, ngày đêm giao tranh,  có  lúc  nghe như gần bên mình, lực lượng hậu
cần được tăng viện, mọi giao thông bị gián đoạn, kể cả những phi vụ cần thiết đều hủy bỏ, tiếng
rì rào của máy truyền tin khi rõ, khi tắt nghe khó chịu. Tôi sốt ruột đợi tin. Đêm hỏa châu cháy
sáng cả khung trời, ánh sáng lung linh, lơ lửng giữa đêm đen, rớt nhanh xuống nền đất khô.
Đang mơ màng về người yêu, về sự sống chết, về cuộc đời sớm có, mai không, một địa ngục
trần gian mà tôi đang sống, nhiều lúc phải vịn vào tình yêu để quên đi cái chết, quên đi hận thù,
máu đổ, thịt rơi, tôi biến tôi thành người máy, nhưng người máy biết suy nghĩ về tình người,
trong đó Ái Cầm; người là cái phao kéo tôi ra khỏi dòng nước cuốn. Tôi nghe rõ tiếng người,
tiếng nổ gần bên tôi, thoắt nhìn thì nhận ra người khách lạ mà tôi đã trao đổi mấy hôm qua, tiến
gần phiá tôi, nhìn thẳng vào mặt :
- Ông phải võ trang ngay! Lệnh cấm trại bắt đầu từ bây giờ. Ông được lệnh ban chỉ huy tiền
phương chuyển ông sang đại đội tác chiến biên phòng. Người khách lạ mang quân hàm đại úy
nói.
- Không! Tôi trực thuộc đơn vị thiếu tá Nghị. Quân đoàn Z. Tôi nói.
- Ông trả lại những thứ mà tôi đã trao cho ông. Tôi đã liên lạc với thiếu tá Nghị.
Khi nào tình hình lắng dịu, tôi chuyển trực tiếp cho thiếu tá. Ông an tâm điều đó. Viên đại úy
đại đội trưởng ngoảnh cổ bước vào bóng đêm với hai người lính cận vệ. Tôi nghe tiếng động cơ
rền bên tai, cảnh tượng trở nên hỗn độn trước sự giao tranh.Tôi nhập cuộc chiến. Có thể đây là
trận chiến cuối cùng, bởi tình hình  biến đổi nghiêm trọng từng giờ, từng ngày và ngay cả tôi
cũng không biết sẽ đi về đâu giữa hoàn cảnh lúc này.
May mắn thay tôi được lịnh rút về hậu cứ và sau đó theo đoàn quân vận vào Sài Gòn. Tính ra tôi
đã ”nằm vùng”  ở địa đầu giới tuyến hơn cả tháng trời, trong một tinh thần khủng khoảng cực
độ. Tôi nhớ những tháng ngày phải xa người tình mà tôi mong được trở về. Ngày đó vào cuối
tháng 2/197…

BA NĂM TRƯỚC

    Đứng trên khán đài ngày mãn khóa ra trường sĩ quan Thủ Đức. Tôi thấy Ái Cầm ngồi cạnh
Thủy và Tùng. Tùng là bạn tôi, hiện chàng đang phục vụ trong binh chủng Dù. Họ đến dự lễ để
chia xẻ niềm vui người em ruột của Tùng. Trong buổi hội ngộ liên hoan trường, tôi được Thủy
giới thiệu, trong phút giây tình cờ, tôi si tình Ái Cầm. Từ đó chúng tôi thường có những buổi
hẹn hò. Tôi nghỉ phép một tuần trước khi trình diện đơn vị. Những phút giây ngắn ngủi đã để lại
trong lòng chúng tôi những kỷ niệm đẹp. Cứ mỗi lần đi công  tác hay về phép là tôi phóng đến
gặp Ái Cầm, mỗi lần gặp nàng là mỗi thổn thức trong tôi, ở nàng như có cái gì cuốn hút tôi,
chứa một điều gì bí ẩn mà bắt tôi phải khám phá…
Ái Cầm không phải là dân thổ công vùng đất hoa lệ nầy, nàng là con dân “cày lên sỏi đá” trú nhà
người bạn học. Và mỗi lần Tết đến thì đón tàu về quê thăm mẹ cha. Tôi muốn cùng đi với nàng
nhưng thời buổi nầy đâu phải dễ.
- Anh muốn đi thăm ba mẹ em và tham quan vùng đất mưa dầm, gió bấc ngoài đó. Được không
em? Tôi nói.
Ái Cầm cúi đầu, đứng lặng yên không nói, mỉm cười với đôi mắt buồn bẩm sinh, gió nhẹ thổi
luồng qua tóc nàng mơ hồ như tranh vẽ. Ái Cầm đưa tay khép tà áo mỏng, nói thật khẽ vào tai
tôi:
- Anh chưa về thăm được đâu. Anh ở đơn vị đã bao lâu mà giờ xin đi xa, hơn nữa thời gian nầy
chưa mấy thuận lợi cho em và anh; anh cũng biết gia phong nhà em rất cổ kính.
Hôm sau; vào dịp cuối tuần, tôi đưa Ái Cầm đi nghe nhạc ở phòng trà. Đêm Sài Gòn có dáng
dấp ăn chơi như ở Âu châu, đủ mọi thành phần quân dân cán chính, thành phố về đêm sáng ánh
đèn mầu, tiếng nhạc từ lầu cao đổ xuống, gió thoảng mùi thơm khắp phố phường. Tôi ôm vai Ái
Cầm, bước đều trên kè đá hàng hiên, nghe chậm rãi.Tiếng kèn xắc-xô rít ngang tai điệu “slow-
rock” nghe sao mà thấm thía buồn thiu, tôi nghe mơ hồ trong trí như một khúc tình nào
đó…Thế rồi chúng tôi đã đến phòng trà ca nhạc Đêm Màu Hồng. Tôi dìu Ái Cầm bước lên bậc
thang, đèn hồng soi rõ những bước đi của nàng, tiếng nhạc đến gần bên tai làm cho gương mặt
nàng thêm bẽn lẽn, cái bẽn lẽn của gái Huế trông dể yêu hơn bao giờ.
- Chắc chưa lần nào em đến chốn nầy? Tôi hỏi.
- Đúng thế anh ạ! Vì nơi đây em không đủ điều kiện và tư cách để vào, nhất là em một sinh viên
nghèo, tá túc trong xóm lao động, chỉ có một cái nhìn về quê nhà, nơi em mong được trở về. Ái
Cầm nói.
- Anh hiểu điều em nói. Nhưng em phải sống. Sống nhanh và sống vội như cuộc đời mình đang
sống. Anh không biết ngày mai mình sẽ ra sao. Tôi nói.
- Vào đây; ngồi bên anh, nhìn những khách hào hoa phong nhã, những đám văn nhân sĩ tứ, nhìn
những cặp nhân tình lả lướt trên sàn nhảy, khói thuốc và rượu của những người sành điệu đã cho
em một ấn tượng rõ nét “Sài-Gòn-Không-Chiến-Tranh” không biết anh có đồng ý với em như
thế không? Nàng nói tiếp:
- Và tại sao họ có cái tên gọi Đêm Màu Hồng ở giữa thời buổi nầy. Em suy nghĩ mãi. Ái Cầm
nén tiếng thở dài trong đôi mắt buồn vời vợi.
Hai chúng tôi ra khỏi Đêm Màu Hồng lúc đó gần nửa đêm, đường phố hoang vu, nàng ngồi bên
tôi mỉm nụ cười hiền hậu. Kỷ niệm thật khó quên trong tôi.
          
*
Trên đường xuôi Nam, tôi kẹt giữa đèo ”Gió Hú” vì trận chiến đang giao tranh ở mũi đầu, hằng
loạt xe có lệnh phải dừng, chờ lệnh mới. Xe và người ngủ đêm giữa lưng đèo. Tôi không thể nào
nhắm mắt được, tiếng pháo, tiếng đạn rát bên tai làm cho binh sĩ cũng như thường dân bàng
hoàng lo sợ, người ta nóng lòng sớm được về nhà, biết đâu người thân của mình đang nằm trong
lửa đạn, hoặc vùi thân dưới mưa bom. Những tin tức thất thủ từ xa đưa về hoặc qua truyền tin,
dân quân rơi vào tuyệt vọng. Tôi cũng tuyệt vọng nếu Ái Cầm có mệnh hệ gì. Hình như vận
nước có chiều thay đổi. Tôi không ngờ sự thế diễn tiến nhanh như thế. Đêm trên đèo cao như
đêm trên đèo ma. Bóng tối chập chùng như báo điềm xấu sắp xẩy đến. Thần sắc tôi “xuống độ”
thấy rõ. Không chịu đựng nỗi; có nhiều người ôm súng chạy về phiá trước, có kẻ còn nuôi thêm
hy vọng.
- Thôi chết rồi anh em ơi! Xong rồi. Chạy đi đâu đây? Thượng sĩ già quân vận nói.
Từ đó chúng tôi rã ngũ, dậm chân tại chỗ chờ lệnh mới. Tôi được đưa về một doanh trại cũ còn
hôi mùi khói súng và cụm lửa tàn còn vương màu khói đục…
Ái Cầm đứng đụt mưa dưới hiên trường Đại Học Văn Khoa. Nàng mong mưa dứt nhanh để phải
còn qua Tổng Hội Sinh Viên. Ái Cầm giờ đây không còn là một sinh viên ngoan hiền như ngày
nào, nàng biến dạng trong lớp phục sức giản dị, cái giản dị không còn thuần chất mà tợ hồ như
che đi cái đảo lộn giữa vật chất với con người. Ái Cầm cuốn theo chiều gió, nương vào gió làm
nơi trú ẩn giữa một thời buổi nhiễu nhương. Thỉnh thoảng trong phút giây bất chợt, nàng nhớ về
người tình xa “giờ này anh ở đâu?” Ái Cầm rùng mình và trở về trạng thái “giấu kín” Nàng ngồi
thu mình trên ghế, chờ Miên chủ tịch tổng hội giao công tác mới. Một công tác xã hội hơn là
công tác học đường. Nàng hiểu điều đó.
Năm sau Ái Cầm ra trường tốt nghiệp Văn Khoa. Nàng trở về quê. Một quê hương ràn rụa nước
mắt chưa khô, nàng nhìn cái sụp đổ của căn tiền đường, mà giờ đây khó lòng tu sửa; dù có cố
gắng chăng nữa cũng không làm được .
Đầu thu 197…Ái Cầm nhận công tác giáo viên trường phổ thông Tỉnh. Nàng hưởng chế độ
lương bổng, tem phiếu và đời sống dưới một xã hội mới. Nàng bằng lòng như mọi người bằng
lòng, vì cuộc đời là thế nên phải thế. Ái Cầm đi dạy bằng chiếc xe đạp Phượng Hoàng TQ đó là
nhịp sống mới đối với nàng. Mẹ Ái Cầm đã bán đi một vài di sản để đổi lấy chiếc xe đạp ”hoành
tráng” đó cho nàng ngày hai buổi, để kịp với đà tiến hóa thời bấy giờ.
Chiều nay Ái Cầm đi dạy về nhưng không mấy vui  như mọi  ngày. Nàng buồn không phải vì
nhiệm vụ, chức năng nhà giáo. Nàng buồn vì nhớ ngày giỗ của cha già sắp tới, nhớ người tình xa,
sống hay chết, bặt vô âm tín gần hai năm nay. Ái Cầm nhìn lên bàn thờ, hình bóng người cha thân
yêu và bát nhang còn tươi rói, nàng cảm thấy quặn đau trong lòng. Hoàng hôn xuống chầm chậm
như đời nàng xuống chầm chậm mà không ai hay. Nghe tiếng gọi, nàng nhìn lui.
- Ái Cầm! Thắp cho ba con cây hương rồi xuống ăn cơm với mẹ. Người mẹ nói.
Nàng bước vào buồng, mở xấp hình ra xem người yêu cũ trong bộ quân phục ngày ra trường võ
bị, nàng ngắm nhìn trong đôi mắt ngấn lệ và chậm rãi bước xuống hiên sau, khi đó trời đã nhá
nhem tối.
MƯỜI NĂM SAU
   Từ miền Bắc trở về nguyên quán, quê hương tôi ở Đồng Tháp, vùng đất cuối của lãnh thổ,
thuộc miền Nam. Về đến nơi thân sinh tôi đã qua đời, vật đổi sao dời; hình như xóm làng khó
nhận ra tôi. Bởi tôi đã ra đi quá lâu? Sau thời gian quản lý; tôi quay đầu về lại Sài Gòn, bộ mặt
Sài Gòn khác hơn xưa, người và vật thay đổi. Khó kiếm lại hình ảnh cũ, tôi cố tìm những khuôn
mặt thân quen mà họ chẳng để lại một dấu tích nào hơn nữa. Tôi trôi theo giòng đời và bắt đầu
cuộc sống mới. Với 40 tuổi đời ”mày sẽ làm gì?” Tôi tự hỏi tôi. Thật như thế! Tuy không tật
nguyền nhưng tôi biến thành một “thương phế binh” thời đại. Nhìn đời chạy quanh tôi như nhắc
nhở tôi, như nhìn lại tôi bao đắng cay ê chề.
- Ê! Tường. Có phải mầy không? Tao! lính mầy ngày xưa.Tạo đây! Nhớ không?
Tôi bàng hoàng, cả hai chúng tôi đều thay đổi, khó nhận diện, già trước tuổi, nhưng nhờ núp
trong cái bóng râm mát của tâm hồn, chúng tôi tìm thấy nhau. Dưới tàn cây trứng cá, Tạo nhìn
tôi đăm chiêu, trong cái nhìn thương mong hay thương giúp. Dù không là gì nhưng được coi như
niềm an ủi có nhau, có thể là điều mà hai chúng tôi cần người để nói; nói cái gì? Nói cái có và
cái không mà đời đã để lại. Nhìn bạn mà không cầm được nước mắt. Tôi lặng người cúi xuống.
- Giờ mầy làm gì? Tạo hỏi.
- Tao chẳng làm gì? Tôi nói.
Kiếm được một chân đánh đờn ở phòng trà ca nhạc “Tình Nhớ”. Tôi cảm thấy mình như lột xác,
như con gái điếm hoàn lương, cái tì vết đó bỗng chốc không còn nữa mà chỉ còn lại trong ký ức
tôi một hoài niệm. Cái hoài niệm của thi hào Nguyễn Du mà thuở xưa tôi chỉ ngâm nga vô tội
vạ.  Giờ đây  là lẽ  sống, là bài học của muôn đời sau. Tôi suy nghĩ mông lung giữa khoảng
trống vô cùng.
- Uống đi. Sao đờn hoài thế! Còn phải để dành sức tối nay nữa chớ. Tay đờn cò đồng sàng nói.
Tôi thả cây đàn xuống nền nhẹ nhàng và hất cổ nuốt ực cụm rượu. Tiếng khà của tôi như lời ai
oán. Cũng nhờ thế mà tiếng đàn vút cao.
Tôi đang gò lưng gảy bài “Dư Âm” thì có người khoát tay, mỉm cười ra hiệu muốn gặp tôi. Tôi
không nhận ra người ấy là ai mà chỉ mường tượng trong trí nhớ, hay tại ánh đèn sân khấu làm lóa
mắt tôi .
- Anh Tường! Nguyễn Tường phải không? Em đây! Ái Cầm. Còn nhớ em không? Đây anh Tuấn
chồng em, dạy cùng trường. Ở Huế mới vào hôm qua. Nghe tiếng đàn anh chơi em xót xa vô
cùng. Giờ anh ở đâu? Em nghe người ta đưa tin anh chết trước ngày Giải Phóng. Thực hư như
thế nào hỡi anh? Ái Cầm nói.
Tôi ngồi lặng yên, không nói. Mỉm cười cùng nàng mà lòng thầm nhủ, Ái Cầm vô tư và đẹp như
thuở nào, nàng vẫn là người yêu muôn đời của tôi bởi nàng là người trung thực và đáng tin cậy.
- Anh vẫn bình thường và anh vẫn sống. Mong sao em hạnh phúc là anh vui rồi.
Tôi đi vào con hẻm giữa đêm , âm thầm bước vô lều gỗ. Nơi đây là nấm mồ sống của tôi và cây
đàn là tặng phẩm của những ngày cuối đời tôi.Tôi ôm kỷ niệm cũ và thiếp dần trong giấc ngủ về
sáng. Đó là chuyện của một đời người…
* * *
     Mùa thu năm 198… được tin Nguyễn Tường chết trên sàn diễn, khi dứt một tình khúc tuyệt
đỉnh. Đám người đưa tiễn; phần lớn anh em hát dạo bên đường. Trong đáy thùng cây đàn có tấm
giấy ghi: ”Cây đàn nầy gởi cho Ái Cầm”. Không một ai biết tên người ấy. Mộ phần chôn ở nghĩa
điạ “Cát Bụi” nơi  dành cho những người vô gia cư của thành phố ./.
VÕ CÔNG LIÊM
(Remembrance-day 11/2010)
* “Sự thật còn thê thảm hơn cả hư cấu”. A. R. Grillet