CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Friday, September 5, 2014

Nhánh chà gai


Bài viết được sáng tác vào những năm 80 khi những “thuyền nhân” từ Việt Nam đang
đối mặt với những vấn nạn mới sau những chuyến đi tìm tự do đầy điêu linh: họ bị khước
từ căn cước tị nạn sau những bấp bênh đánh đổi đời sống mình với sóng nước để thoát
khỏi ngục tù tại nơi đất nước họ vừa trốn chạy rời đi. Bài viết ghi lại câu chuyện trong
một trại tù nhỏ đâu đó trong trại tù vĩ đại của đất nước thê thảm để trình bày một thảm
trạng thực sự mà người Việt tị nạn đang chịu đựng hầu thế giới có thể thấy tước đoạt căn
cước tị nạn của họ là một việc làm tàn nhẫn, bất lương và không công bằng. Bài viết đã
được đăng tải trên các báo Việt ngữ thời đó và được Văn Nghệ Tiền Phong chọn là một
trong các bài viết xuất sắc trong năm, độc giả được mời viếng thăm thời thê lương của
một đất nước trùng trùng điêu linh để có thể bắt gặp chính mình đâu đó trong câu
chuyện. Xin mời.


Qua dáng vóc và vẻ mặt nhăn nhó khổ sở của nó, người ta có thể tưởng lầm nó thành niên,
đôi khi vẻ ưu tư biểu hiện bằng những nếp nhăn gượng gạo trên trán người ta có thể nghĩ nó
đã ngoài hai mươi. Sự thật thì trong bản tự khai mà nó ký tên trước ban quản giáo trại, nó chỉ
mới có mười ba tính đến ngày hôm nay, một ngày mà người tù không thể xác định được
mang số mấy trên tấm lịch, mà chỉ biết là ngày thứ Bảy, ngày chuẩn bị để hôm sau được thăm
nuôi và gặp mặt thân nhân, của tháng 6 năm 1979. Nó vào trại đã hơn hai năm cũng tính đến
ngày hôm nay. Như vậy trại Cồn Cát nầy đón nó lúc nó chỉ mới hơn mười tuổi.

Nó tên là Tấn, người ta không biết họ nó là gì. Thôi thì cứ Nguyễn Văn như những cái tên
thông dụng khác ở miền Nam vậy. Nguyễn Văn Tấn. Nó vào trại khi trại nầy chưa là một
nông trường như ngày nay. Lúc đó trại chỉ là một căn nhà lá cất vội dành cho ban quản giáo
trú mưa trú nắng, còn lại là rừng với lều nhỏ lều con ép thật khít khao những con người
mang tội danh “phản quốc” với những danh từ mới “ngụy quân, ngụy quyền” được đưa từ
khám lớn Cần Thơ xuống. Nó mất mẹ từ khi nó tròn hai tuổi - theo lời nó nói lại - nó chỉ còn
mỗi người cha lúc trước làm ruộng trên thửa ruộng riêng và cầm súng trong lực lượng Nhân
Dân Tự Vệ, sau lực lượng nầy tan rã, ruộng mất, cha nó bỏ về sống với nghề cào cá trên sông
với chiếc xuồng chèo vá đùm vá đụp. Cha nó hiện giờ đang thi hành nghĩa vụ lao động tại
cửa biển Mỹ Thanh, Lịch Hội Thượng, nghe đâu trong một thời gian sáu tháng. Vậy là trong
sáu tháng nầy không có ai để thăm nuôi nó. Mà thực ra, cha nó chỉ có thể thăm nó chớ không
có nuôi. Ông ấy chạy vạy để làm đầy bao tử rổng của mình vốn làm việc mạnh từ khi lúc còn
thanh niên còn chưa xong, dư đâu để nuôi nó. Họa hoằn vài lần thăm nó, ông ấy chìa cho nó
một cục đường chảy hay vài viên “xuyên tâm liên” ông ấy xin được của người bà con là quá
lắm. Còn ngoài ra, ông ấy đến để chỉ nhìn nó rồi cố giơ bàn tay chai xạm qua hai lằn dây
giăng ngang, sau khi bộ đội kiểm soát báo cho biết hết 15 phút thăm nuôi, vổ vai hay vuốt
má nó rồi thì thào trong cổ họng: ráng lên nghe! Nó biết vậy và không bao giờ buồn. Nghe
có tên thăm nuôi nó vẫn mừng và lăng xăng cuống quít, dù biết rằng sau đó bao tử nó vẫn
xẹp lép bóp thắt đều đặn hai chén lưng cơm cho mỗi một ngày, một cách mệt mỏi.

Trại Cồn Cát được phân ra ba hạng tội danh: “ngụy” quân, “ngụy” quyền và hình sự. Nói
chung tội danh nào cũng được tẩm thêm danh từ “phản quốc” hết, hay nói cho có vẻ hiện đại
hơn là “phản cách mạng”. Nó được xếp vào loại hình sự. Trên bản tự khai của nó, người ta đã
phê trên đó dòng chữ: ăn cắp tài sản của nhân dân. Trong khi đi lao động có người hỏi nó:

- Mầy ăn cắp loại tài sản nào của nhân dân mà cho tới giờ vẫn chưa được tha? Vàng, bạc hay
hột xoàn.

Nó quẹt mũi, chống phảng xuống đất, quay lại phân bua:

- Trời ơi, làm gì có mấy thứ đó chú. Tui chất chà với ba tui trên sông, thiếu chà, tui lén qua
đống chà gần bên gở đại một nhánh thì không dè đống chà đó là của thằng cha Ba Á, bí thư
chi bộ xã gì đó, lúc đó thằng chả đứng trên bờ ngó thấy kêu bộ đội lội xuống bắt tui kéo lên
bờ, lấy dây chuối trói lại rồi dẫn về đây luôn, chứ có lấy vàng hay bạc gì đâu!

Cả đám “ngụy quân”, “ngụy quyền’ nhao lên:

- Mầy nói thật không? Một nhánh chà mà hơn hai năm chưa về, sao lạ vậy?

Nó nghiêm mặt trông ngớ ngẩn tức cười:

- Thật mà, chỉ có một nhánh chà gai thôi, không tới hai nhánh nữa mà.

Kể từ đó nó mang biệt hiệu “Tấn chà gai”, như một thứ tên cúng cơm ẩn chứa một định
mệnh khắc nghiệt cho tuổi thơ cùn mằn của nó. Và lúc nào trong đầu nó cũng lởn vởn câu
nói của chú Tuấn “Biệt Động”, người bạn tù trung niên mà nó thích nhất:

- Mầy thấy không, lúc xưa người khác có thể cho mầy hàng chục nhánh chà gai hoặc mầy có
thể lấy cắp của người khác xén nửa đống chà mà bị bắt gặp, người ta có thể xí xóa cho mầy
bằng vài câu chưởi thề độc địa hay cằn nhằn cửi nhửi dăm mươi câu rồi bỏ qua, còn bây giờ
một nhánh chà gai mầy phải bị tù và có thể là tù vô hạn định như tụi tao không chừng, vì
người ta bây giờ cho rằng có bỏ tù càng nhiều, càng lâu, càng tồt, biết không?

Có thể bây giờ nó mới hiểu tại sao chú Biệt Động Quân lấy súng M16 bắn vào đầu trước nhà
nó khi bộ đội Việt cộng tràn vào làng ngày 30.4.1975. Ngày đó, nó chưa biết thế nào là Việt
cộng, thế nào là Quốc gia. Nó chỉ biết Việt cộng có một đêm đột nhập vào làng nó trước
đây, đâm chết chị Hai Hợi bằng ngọn mã tấu dài nhằng cắm trên bụng chị một tờ giấy với
mấy chữ mà nó đánh vần được: tử hình, tề điệp; vì nghe đâu chị đi buôn bán trên sông, lúc
lên Tỉnh lấy hàng có ghé lại bót cảnh sát thăm chị với người anh rể làm cảnh sát trên đó. Nó
chỉ mường tượng rằng Việt cộng chắc ghê lắm, và mỗi lần nghĩ tới Việt cộng là nó nhìn
xuống bụng như tìm kiếm một lằn dao lòi ruột giống như chị Hai Hợi lúc trước, nó rùng
mình. Nó có lần chứng kiến hai bên bắn nhau trước nhà, lần đó nó sợ muốn chết, nằm bẹp dí
trong hầm trú, nó Mô Phật liên tu, nó không hiểu người ta bắn nhau để làm gì. Bây giờ thì nó
có thể hiểu một cách đơn giản, là bên nọ bắn bên kia, vì không muốn bị tù, tù suốt đời,
không muốn bị xiết cổ bằng chiếc khăn choàng tắm như ông Xã Nhơn ở xã nó; còn bên kia
bắn bên nầy là muốn bỏ tù những người bên nầy, muốn rạch bụng họ như rạch bụng chị Hai
Hợi khi xưa.

Anh lính Biệt Động Quân tự tử trước nhà nó vì “không muốn bị tù”. Và nó biết tù khổ sở
biết chừng nào. Nó cảm nghiệm được điều nầy khi nghĩ đến đoạn đời nó đã qua. Lúc nó mới
bị bắt, nó phải qua ba lần bị nhận nước, lần đó nó ngất ngư tưởng là đã phải theo má nó rồi.
Khi bị đưa đến trại Cồn Cát, dọc đường nó hứng đủ những cú đấm đá của tên bộ đội giải
giao, nó không biết tại sao người ta đánh nó, nó chỉ biết là nó và người bộ đội nầy không có
thù hằn gì với nhau và chưa hề gặp nhau bao giờ. Đến trại, nó phải qua lần cởi hết quần áo để
khám xét. Chỉ có cái áo thun rách và cái quần xà lỏn để khám xét mà nó phải đứng tô hô
dưới cơn gió buốt từ sông cái đưa lên hơn một tiếng đồng hồ. Khi được lệnh mặc quần áo
vào thì cả thân hình nhỏ bé của nó ngã xuống nền đất lạnh như một cây chuối đốn. Người ta
kéo lê nó vào trại, còng tay chân nó lại và không một ai trong trại có thể giúp nó được gì vì
ai cũng bị còng tay chân như nó. Nó mê man cho đến sáng hôm sau, khi tỉnh dậy người ta dẫn
nó ra đồng để lao động như mọi người tù khác, sau khi nhét lưng lững bao tử bằng nửa chén
cơm trắng với vài hột muối mà những người tù chung quanh cố quăng lại cho nó. Ngày lao
động đầu tiên nó ngất xỉu ba lần dù những “ngụy quân”, “ngụy quyền” cố gắng tiếp nó cho
xong chỉ tiêu. Sau đó là những ngày lao động dài lê thê và cái đói thường xuyên ám ảnh nó.
Nó đói đến độ nó có thể ăn bất cứ thứ gì một cách ngon lành, ngay cả những cọng cỏ vơ vội
tại nơi lao động. Ốc sống, ốc chết nó nuốt một cách say sưa khoái khẩu. Trong trại, mỗi lần
có thăm nuôi là những người tù khác cố gắng nhét vội cho nó dăm mẩu bánh, vài trái cóc,
trái quít, những lần đó nó thấy sung sướng hơn là đem nó sống trong niết bàn mà ba nó
thường nói cho nó nghe khi còn sống chung với ông.

Trong trại, mỗi lần ăn cơm nó thích mon men ngồi gần chú Tuấn Biệt Động. Chú ấy thường
nhường cho nó gần nửa phần cơm của chú ấy và những phần đồ ăn mà chú ấy nhận được từ
bà mẹ già trong mỗi lần thăm nuôi. Nó thích chú ấy không phải vì nửa phần cơm nhường đó,
mà ở cốt cách, phong thái của chú ấy. Nó có vẻ gì ngạo mạn thách thức như một anh hùng
trong những chuyện cổ tích xa xưa. Chú bất chấp tất cả, ngay cả cái phòng tối ghê rợn ở trong
trại mà mỗi lần vào khi ra là phải khiêng, không một ai có thề đứng nổi mỗi khi được “ân
xá” ra khỏi phòng tối. Chú Tuấn gọi cái phòng tối đó là “lò bánh mì” và chú ra vào phòng
đó như ăn cơm bữa. Tuy nhiên, “cục bột Tuấn Biệt Động khi ra khỏi lò vẫn là cục bột chứ
chưa là bánh mì như người ta muốn”, chú ấy thường tuyên bố như vậy với cái cưới khảy khi
có người nhắc tới phòng tối. Chú thường nhắc đến những người bạn xa xưa nào đó với một
nỗi say sưa:

- Mầy biết không, tụi nó phục sẵn đâu đó trong rừng, trong rú, trên núi, trên nương, có thể
sát bên trại nầy không chứng, để đúng thời cơ nhào ra phá cái trại nầy không còn một manh
giáp. Và tao, mầy, những người khác trong nầy sẽ thoát. Tụi nó sẽ đem cho mầy một đống
chà gai bù lại một nhánh chà gai đã quất tiêu ma cái tuổi nhỏ đáng thương đáng nâng niu của
mầy. Xiềng xích trong trại sẽ được đem nấu lại để chế chiếc máy cày. Thằng Đông mập sẽ hết
điên và bà vợ của nó tìm lại được lũ con lạc trên chuyến tàu ra ngoại quốc. Thằng Hạc sẽ
được dịp hát tình ca hơn là cứ lải nhải “Trường Sơn đông, Trường Sơn tây” lạc điệu. Thằng
Du sẽ được uống thuốc tốt cho hai lá phổi của nó. Và tao, tao sẽ làm một phùa từ Cà Mau
ngược lên, bỏ ra một thời gian để vun lại những ngôi mộ của bạn bè tao đã bị san phẳng…
Hết cải tạo, hết tù, hết tử hình, hết tòa án nhân dân, hết “giai cấp đấu tranh”, hết tuốt cộng
sản. Mày sẽ đi học để biết ông Quang Trung, ông Trần Hưng Đạo, bà Trưng là ai, hơn là mấy
cái tên Karl Marx, Engels, Liên Xô vĩ đại,… xa lạ.

Nghe chú Tuấn nói, nó cũng cảm thấy bồn chồn và mong những người bạn trở lại như là nỗi
mong ước thực sự của chính nó. Và mỗi ngày nó cảm như cái “thời cơ” mà chú Tuấn nói như
đã gần kề, nó cũng ước mong có ngày nó sẽ đi cùng chú Tuấn vun lại những ngôi mộ thân
thuộc đó. Niềm ước mơ đó cho tới một ngày trở thành hy vọng đích thực, chắc chắn nhật của
nó khi nó nghe nhiều loạt súng báo động nổi lên trong trại, tin truyền miệng được bung đi
cùng khắp khắp các tổ: Tuấn Biệt Động đã vượt trại. Dù từ đó nó và những người tù khác bị
giới hạn di chuyển từ tổ nầy qua tổ nọ hết sức gắt gao và ban đêm nó phải ngủ với cái cùm
nặng dưới chân, nó vẫn mơ thấy chú Tuấn trở lại, dáng thách thức như xưa và trên tay cầm
một nhánh chà gai với một nụ cười tươi trên môi, tháo cùm cho nó, dẫn nó đi đắp mộ đã bị
san phẳng, rồi đưa nó ngồi vào lớp học với chiếc ghế cái bàn con êm đềm. Nó sẽ cười thoải
mái, quên hết cả tủi nhục của thời cải tạo khi xưa. Nó vẫn mơ và hy vọng là một gia tài mà
chú Tuấn giao cho nó để ôm ấp hằng đêm, nuôi lớn thêm tuổi nhỏ sớm khô cằn vì tàn
nhẫn…

Rồi nó không còn phải mơ nữa. Sáng hôm đó khi phân chia công tác, hai người tù được giao
công tác ngoại lệ một tiếng đồng hồ với cuốc xuổng để đào một cái hố con sâu độ nửa
thước. Cái hố để chôn xác Tấn. Tuổi nhỏ và giấc mơ của Tấn chấm dứt sau một cơn đau
bụng dữ dội, mồ hôi vã trên trán và cái trợn trừng như muốn kéo lại giấc mơ chưa thành hiện
thực, giấc mơ có chú Tuấn với nhánh chà gai và ngôi trường với bàn ghế xinh xắn. Hôm
trước, đói quá nó đã tuốt những nhánh lúa xanh cho vào miệng nuốt trổng cho qua cơn đói
và những hạt lúa non cạnh sắc đó đã giết chết Tấn. Nó đi trên cánh đồng lúa, thực phẩm bình
thường nhất của một người Việt Nam, để ngã xuống chết đi chỉ vì đói trên đồng thực phẩm
bình thường đó, bình thường như mặt trời sáng nay không gắt nắng, hanh vàng.

Hai người tù khi chốn xác Tấn đã đọc một bài văn tế ngắn và cả hai đều ứa nước mắt:
“Nhánh chà gai đã đâm suốt tuổi nhỏ hồn nhiên trong sáng của mầy. Thôi hãy ngủ đi và quên
tù đày khổ ải, sau có ai viếng mộ mầy, bọn tao sẽ nhắc họ nhớ đem theo một nhánh chà
gai…”

Nguyễn Ngọc Mạnh