CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Friday, October 3, 2014

Cuốn theo chiều gió




(Cuộc đời không có nhiệm vụ cho chúng ta những gì mình mong đợi. Chúng ta nhận
những gì đưa đẩy đến và cảm tạ là nó không tệ hại hơn hiện nay - “Life’s under no
obligation to give us what we expect. We take what we get and are thankful it’s no worse
than it is. Margaret Mitchell - Gone with the Wind.)

Trong những buổi giảng thuyết cho các sinh viên Trung Quốc về văn hóa và con người Mỹ,
tôi thường khuyên họ hãy đọc quyển sách (hay ít nhất là coi cuốn phim) “Gone With The
Wind”. Dù xã hội Mỹ đã thay đổi rất nhiều với lượng di dân nhập cư từ tứ xứ cùng các quan
hệ chủng tộc, nhưng những người Mỹ trắng từ văn minh Âu Châu vẫn chiếm 67% dân số và
truyền thống Cơ Đốc Giáo vẫn là dấu ấn hàng đầu, không những tại những vùng bảo thủ miền
Trung, mà vẫn tồn tại mạnh mẽ tại các vùng cấp tiến như California và New York.

Sự điêu tàn của miền Nam sau cuộc nội chiến Bắc-Nam và những cố gắng hàn gắn vết thương
từ bên thắng cuộc cho thấy một sự tôn trọng luật pháp công lý; bao quanh bởi tình yêu tổ
quốc sâu đậm từ hai phía và lòng tự hào năng động của con người Mỹ về khả năng, ý chí và
tầm nhìn. Sự trổi dậy của con phượng hoàng Mỹ sau những khủng hoảng là đặc thù lớn nhất
của siêu cường này.

Những khuôn mặt biểu tượng cho văn hóa Mỹ, cho đến ngày nay, đã được Margaret Mitchell
tô đậm trong các nhân vật của cuốn sách. Dĩ nhiên, hai nhân vật chánh, Scarlett O Hara và
Rhett Butler, đã quay cuồng trong thời chiến và thời bình, thật “sống” thật “động” để phần
lớn dân Mỹ thời đó và một số lớn thời nay, tìm thấy bóng dáng mình qua câu chuyện cũng như
nhân cách của cặp tình nhân này.

Điệu vũ trong chiến tranh

Tóm lược câu chuyện xẩy ra vào thời nội chiến Mỹ (1861), Rhett Butler là một kẻ cơ hội.
Anh ta không lên đường theo tiếng gọi của non sông như các bạn trẻ quanh mình, dù đã là
một sĩ quan kinh nghiệm của quân đội miền Nam. Anh chỉ thích đi buôn và trục lợi qua
những phi vụ vũ khí hay nhu yếu phẩm. Như mọi các cô gái trẻ tràn đầy lý tưởng , Scarlett
ghét anh chàng có vẻ như “ích kỷ và đểu cáng” này.

Scarlett:  Are you tryin’ to tell me you don’t believe in the cause?  (Anh muốn nói với em
rằng anh không tin vào chính nghĩa?”)

Rhett: I believe in Rhett Butler, he’s the only cause I know. (Anh tin vào Rhett Butler, hắn là
chính nghĩa duy nhất anh biết)

Tuy nhiên, đến khi miền Nam sắp thua trận và đợi chờ một kết quả thảm thương, Rhett lại
nhập ngũ để chiến đấu.

Scarlett: Rhett, how could you do this to me, and why should you go now that, after it’s all
over and I need you, why? Why? (tại sao anh làm vậy bây giờ vì kết cục đã gần kề và trong khi
em cấn anh vô cùng, tại sao?)

Rhett: Why? Maybe it’s because I’ve always had a weakness for lost causes, once they’re
really lost. Or maybe, maybe I’m ashamed of myself. Who knows? (Có lẽ tại vì anh luôn luôn
có một điểm yếu cho những chính nghĩa đã mất, nhất là khi chúng thực sự mất. Hay có lẽ tại
anh xấu hổ? Ai mà biết được?)

Xây dựng lại cho thanh bình nội tại

Sau cùng, chiến tranh kết thúc. Rhett được thả về quê và anh lại làm ăn với nhóm thắng cuộc
để kiếm tiền. Khá nhiều tiền; dù luôn bị đám đông chung quanh dè bỉu như bọn carpetbaggers
(liếm gót giầy của kẻ thắng). Anh kết hôn với Scarlett vì yêu nàng tha thiết và đem lại một đời
sống vương giả cho 2 mẹ con. Trong khi đó, Scarlett vẫn yêu thầm trộm nhớ người hùng
nghèo khó Ashley dù Ashley bây giờ chỉ là một cựu sĩ quan bất đắc chí của phe thua cuộc.
Rhett đau khổ nhưng lấy tình yêu cho con gái làm cứu cánh.

Cho đến khi cô con gái chết trong một tai nạn, thế giới của Rhett lại bị đổ vỡ và chàng xách
vali ra khỏi cuộc đời của Scarlett.

Rhett:  Do you know what I’m talking about? (Em biết anh muốn nói gì không?)

Scarlett: No! I only know that I love you. (Không, em chỉ biết rằng em yêu anh)

Rhett: That’s your misfortune. (Đó là bất hạnh của em)
….
Scarlett: Oh, Rhett!  Rhett, Rhett!

Scarlett:  Rhett… if you go, where shall I go, what shall I do? (Nếu anh bỏ đi, em sẽ đi đâu,
em sẽ làm gì?)

Rhett:  Frankly, my dear, I don’t give a damn. (Thực sự, người yêu ơi, anh đếch quan tâm)

Song song trong câu chuyện là cuộc đời thăng trầm của Scarlett. Sinh ra trong một gia đình
phong lưu, chiến tranh đã khiến nàng trở thành một thiếu nữ rồi thiếu phụ nghèo đói, tìm đủ
mọi thủ đoạn qua sắc đẹp để mưu sinh. Cho đến khi chiến tranh chấm dứt và nàng lấy Rhett
vì tiền.

Scarlett cũng giống như trăm ngàn thiếu nữ Việt mà tôi đã gặp khắp nơi. Cái thân hình yểu
điệu, nhỏ nhắn. sợ sệt…chỉ để che dấu một ý chí sinh tồn mạnh mẽ và quyết liệt. Scarlett luôn
tự bảo trong tâm thức là phải vươn lên bằng mọi giá để tìm cho mình chỗ đứng dưới ánh mặt
trời. Sau cùng, nàng mới nhận ra là mình yêu anh chồng Rhett ngang tàng thực tế của mình;
chứ không thể yêu một “ảo tưởng” là Ashley, yếu đuối, thua cuộc.

Nhưng Rhett lại bỏ đi? Nàng đau đớn,

“I’ll think of it tomorrow, at Tara. I can stand it then. Tomorrow, I’ll think of some way to
get him back. After all, tomorrow is another day.” (Tôi sẽ về Tara ngày mai rồi suy nghĩ lại.
Tôi sẽ ổn hơn. Ngày mai, tôi sẽ nghĩ cách để anh quay về. Dù sao, ngày mai cũng là một ngày
mới)

Văn hóa Mỹ và Việt Nam

Không riêng tôi, mà thế hệ Mỹ lớn lên qua văn chương phổ thông, đều thấy chút dáng dấp của
mình đâu đó trong Rhett Butler. Những hình tượng sau này của xã hội Mỹ như John Wayne,
Clint Eastwood, Ronald Reagan…đều phảng phất chút hương vị “cao bồi” của người đàn ông
tuy ích kỷ, dấu kín, nhưng ngang tàng và sẵn sàng hy sinh cho đại nghĩa, dù thua lỗ. Đó là lý
do tại sao Reagan, Kennedy… được phần lớn dân Mỹ yêu mến; nhưng không bao giờ Carter
hay Obama.

Trong những buổi giao thời, tôi hay suy nghĩ về câu chuyện của Rhett và Scarlett. Có lẽ cũng
là câu chuyện của triệu người Việt Nam trong cuộc biển dâu gần 40 năm qua. Có điều kết
cuộc của chúng ta hơi khác. Những nàng Scarlett của Việt Nam vẫn ôm lấy “ảo tưởng” Ashley
mà quên đi cái “hiện thực” Rhett. Có đủ ý chí và can đảm, nhưng vẫn thiếu kiến thức và nhận
xét. Cái “ngày mai” mà Scarlett tin tưởng vào, cái tương lai mà nàng tin là phải thay đổi để tốt
đẹp hơn, lại là cái “quá khứ” mà dân Việt vẫn khư khư ôm lấy sau 40 năm hận thù.

Cho đến giờ này, khi ngồi chém gió với các bạn trẻ hay già ở Việt Nam, tôi nghe thường trực
những câu chuyện về lịch sử. Ngân sách có hạn hẹp, chúng ta vẫn hoan hỉ bỏ ra cà triệu đô la
để làm phim về “lịch sử”. Chưa nói đến những phim truyện phát sóng hàng giờ hàng ngày trên
các kênh TV về những đại thắng 40, 50, 60 năm về trước (Dù một số người không nhỏ, như
bà vợ của đại đồng chí Lê Duẫn hay tác giả cuốn Đèn Cù, đang có nhiều phản biện về cái gọi
là lịch sử này)

Bao giờ thì các bạn trẻ của tôi hăng say về những đề tài như công nghệ in 3D, hệ thống quản
lý robotic hay chuyện biến đổi DNA sequence? Nếu tiếp tục với đà này, chỉ 20 năm nữa thôi,
giới trẻ toàn cầu sẽ không hiểu nổi ngôn ngữ của người Việt và sẽ cho rằng chúng ta đến từ
“ngoài hành tinh”. Bao giờ thì một người 30, 40 tuổi…mới ngưng đòi mẹ kể chuyện cổ tích
thần thoại trước khi ngủ?

Trong phim cũng như trong lịch sử, thủ đô miền Nam là Atlanta bị thiêu hủy hoàn toàn. Chỉ 6
năm sau, Atlanta lại hồi sinh, đẹp rực rỡ như những tàng hoa magnolia trong mùa xuân.
Saigon không cháy rụi, nhưng cái tàn tạ của Saigon còn đau đớn hơn. Như một hoa khôi ngày
nào của Gia Long, Trưng Vương bây giờ đang lọm khọm gánh nước trong tuổi già ở một khu
ổ chuột hôi thối. Có lẽ Rhett sẽ không bao giờ quay lại và Scarlett cũng phải bỏ đi?

Tôi đang sửa soạn về Mỹ để định cư một thời gian dài. Tôi chợt nhớ câu nói của Rhett,

I’m through with everything here. I want peace. I want to see if somewhere there isn’t
something left in life of charm and grace. Do you know what I’m talking about? ( Anh chấm
dứt với mọi thứ ở đây. Anh cần thanh bình. Anh muốn coi nếu có một nơi nào đó còn chút gì
yêu kiều và thanh cao cho cuộc sống. Em hiểu anh đang nói gì không?)