CHÀO MỪNG THẦY CÔ VÀ ANH CHỊ EM ĐẾN VỚI BLOG HOANGDIEUBAXUYENAUSTRALIA.KÍNH CHÚC TẤT CẢ VẠN SỰ NHƯ Ý. DỒI DÀO SỨC KHỎE,THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC.

Sunday, October 5, 2014

Nhạc kẹo kéo


Người ta hỏi Út nữa lớn lên làm gì? Không ngần ngại nhỏ nói lớn lên làm ca sĩ. Sinh ra trong một
gia đình nông dân, ở vùng sâu, đông anh chị em. Ông Năm lý giải về việc đặt tên út nữa. Ông bà
tính tới con gái út thôi. Vỡ kế hoạch, rồi út thêm, út nữa, út nữa là út chót của gia đình ông. Học
hết lớp năm, nó nghỉ học. Ở nhà làm ruộng và leo lên võng hát ư ử, dĩ nhiên gia đình ông năm
không ai có máu văn nghệ. Chứ đừng nói đam mê làm ca sĩ, láng giềng quanh năm uống trà, uống
rượu, làm ăn. Thỉnh thoảng văn nghệ, văn gừng ở các đám ma, đám cưới, khi mà rượu làm họ bốc
lên đã. Bớt đi nét quê mùa thô kệch, gột rửa sự lấm lem bùn đất để kéo họ bay lên sự thăng hoa
của giai điệu và tiết tấu. Không lẽ hát không kèn không trống dị chết, út nữa nghĩ như vậy và
không tham gia.
            Năm 18 tuổi Út nữa bỏ quê lên thành phố. Thành phố rộn ràng, vui vẻ, đèn điện rực rỡ chứ
không buồn tẻ như ở quê nó. Nó nghe tiếng nhạc vọng ra xập xình ở quán karaoke bên đường. Nó
mạnh dạn đến xin việc làm. Chủ quán người phốp pháp, trắng trẻo, cổ tay đầy vòng vàng, nhìn nó
kỹ lưỡng rồi phán: ở đây đủ tiếp viên rồi chỉ cần người phục vụ. Nó đồng ý không cần suy nghĩ. Ở
cái thành phố lạ lẫm này, kiếm đượcviệc làm, có chỗ ăn ngủ không phải là chuyện dễ đâu. Nó
mừng nghĩ mình may mắn.
            Quán Hoàng Hôn chỉ đông khách vào ban đêm. Từ giấc 8h đến sáng, còn ban ngày (trừ mấy
ngày lễ) còn thì hẻo lắm. Quán đông khách, chủ quán nấu cơm cho tiếp viên ăn. Hôm nào không
có khách lai vảng. Tiếp viên và út nữa chịu khó kiếm thứ gì lót bụng. Tiếp viên mướn nhà trọ gần
quán. Có khách chủ quán ới lên một tiếng khỏi tốn tiền điện thoại. Út nữa được ở phíasau quán,
gần bếp. Bây giờ nó thỏa ước nguyện vì thấm đẫm từ đầu óc đến thân thể một không khí âm nhạc.
Quán có bốn phòng hát ong ỏng. Út nữa có  nhiệm vụ bưng bia, chặt đá, bưng thức ăn, dọn dẹp
phòng khi tan ca.
            Nó gõ cửa phòng ca, có tiếng mấy chị: Cứ vào đi! Cửa mở, nó rú lên, mặt đỏ bừng làm mấy
ông khách giật mình; đồ nhà quê. Đập vào trước mắt nó, các chị thịt da lõa lồ, miệng ư ử hát cho
có lệ, các vị khách: ông thì hôn hít khắp người, ông thì sục sạo bàn tay khắp chỗ. Thấy nó như vậy,
mấy chị kia kéo áo, kéo váy ngồi nghiêm túc trở lại. Sau lần đầu bị sốc như vậy, nó lại quen đi và
bình thường với mọi chuyện ở đây. Cuộc sống là vậy mà, phải thích nghi thôi. Cũng như mấy chị,
có khách anh anh em em ngọt xớt, chồng chồng vợ vợ chụt chụt, hết giờ tính tiền lại trở về với
cuộc sống của mình. Có chị chồng con ở xa. Có chị ở một mình sau khi ly dị. Có chị cặp bồ với
một anh trẻ trai nào đó làm chồng hờ. Lại trở về với khu nhà trọ của mình, yêu đương, hờn ghen,
buồn tủi, đánh đập đủ mọi cung bậc. Nó ở sát đấy, vô tình thu nạp mọi âm thanh cuộc sống đang
tích lũy vào mình.
            Ở đây, Út nữa thích nhất là những ngày mưa. Tiếng mưa đập vào mái tôn thiếc. Khi lắc cắc,
khi rầm rầm, khi ồn ào, khi da diết, tiếng mưa ở những chỗ dột. Rơi vào đấy thau nghe lanh canh,
khi buồn bã, khi réo rắt một bản nhạc hòa tấu không lời,  thỉnh thoảng lúc vắng khách chủ quán mở
thay đổi không khí.
            Lâu lâu nó vẫn nhớ nhà. Nỗi nhớ đọng trên mi mắt. đọng lại ở dáng ngồi thẩn thờ trên ghế
đá trước quán những lúc vắng khách hay lúc quá khuya khách không gọi gì nữa. Mấy chị lúc vui
vẻ, hay rủ nó tới phòng lúc đánh bài, lúc uống rượu, nhờ đó, nó khuây khỏa đôi chút.
            Vì ở con phố trung tâm, nên ở đây dù ban ngày hay ban đêm vẫn rộn rịp. Xe cộ chạy đầy
đường. Người ta đi đón con ở nhà trẻ kế bên. Đến những quán cháo phở, bàn bi da, quán matxa
trước mặt. Nó lặng lẽ quan sát. Gần gũi với quê nhất, là những chiếc xe đẩy  trên đó chất đầy rau
củ mỗi thứ mỗi ít, kèm theo chút thịt cá. Cái chợ di động ấy, rất tiện lợi với mọi người ở phố ngại
xa. Những lúc chiếc xe được đẩy qua. Những thứ rau củ quê nhà lại tái hiện trong nó. Ba má và
anh chị đang mải miết trên đồng, ước mơ ca hát vẫn còn cháy bỏng trong nó thôi thúc khôn nguôi.
            Tiếng ca nhẹ nhàng trữ tình cất lên trên hè phố. Cắt đứt suy nghĩ miên man của Út nhỏ. Một
giọng ca trẻ, khỏe, tỉnh táo khác với âm điệu na ná giống nhau khi có bia rượu của các vị khách ở
quán. Mà họ vào quán, hát chỉ là chuyện phụ, nó biết vậy. Anh thanh niên đẹp trai. Áo quần sang
trọng đang cất lên giọng ca réo rắt. Chiếc xe máy dựng ở mép đường. trên xe là cặp loa tổ tướng,
giai điệu bật sẳn. Anh ta chỉ việc hát mà thôi. Trẻ con bu quanh anh ta. Người lớn đứng lại ngoái
nhìn. Anh ta hát xong đi vòng quanh, mời mọi người mua kẹo. Có người mua có người không,
thường thì mấy ông ở quán nhậu bình dân hay mời anh qua đó. Họ vừa mua kẹo, vừa song tấu vơí
anh. Những lúc đó, âm nhạc làm họ trẻ ra, bao nhiêu căng thẳng bực bội biến mất. Anh cảm ơn và
uống với họ một cốc.
-        Nhìn cái gì mê mãi vậy nhỏ?
-        Chị thấy anh ca sĩ đó không?
-        Anh nào?
-        Anh đang hát đó.
Có tiếng cười phà lên:
-        Ca sĩ kẹo kéo, ca sĩ vỉa hè
Út nữa chớp chớp hàng mi vẻ cảm động. Thế mới là nghệ sĩ! Cho đến khi anh chạy xe mất hút còn
lại giọng ca lẩn quẩn trong khoảng không, một chút nữa trong tâm hồn út nữa. Chiều nào cô cũng
ngồi chờ giọng ca ấy,  mà phố xe bon chen đông đúc, hàng quán nhiều, giọng ca ấy vừa thỏa lòng
đam mê, vừa mưu sinh. Nên chiếc xe và anh bon bon trên những con đường khác, trên những hàng
quán khác. Lâu lắm, anh mới quay trở lại, những lúc như thế Út nữa vui ra mặt. Như trúng số, như
gặp người quen xa cách đã bao nhiêu năm.
 
Và quán Hoàng Hôn vẫn trở lại nhịp điệu như cũ. Chỉ thiếu con nhỏ phục vụ nhà quê. Nhìn người
ta hát mà mắt mở to, đắm đuối, thán phục.
Tôi hỏi:
- Con nhỏ đó đâu?
Có người nói:
- Nó buồn quá có lẽ đã về nhà.
Có người nói:
- Hôm qua gặp nó ngồi trước xe của anh chàng kẹo kéo và hát ở góc phố kia. Rất nghệ sĩ, rất đam
mê.
- Vậy à! Vậy là cô nhỏ đó đã thỏa lòng khao khát trút lòng mình qua tiếng hát và trên chuyến xe
bon bon đó. Chuyến xe sẽ đi qua mọi ngóc ngách, mọi ngõ phố và tiếng hát sẽ bay xa …
Ba má ơi! Anh chị ơi! Em đã thực hiên ước mơ, em đã trở thành ca sĩ.


Thạch Đà